HLV Phan Thanh Hùng là người đầu tiên nhận lời VFF ngồi vào chiếc ghế ông Calisto để lại. Tuy nhiên sau khi đội tuyển Việt Nam thất bại ở AFF Cup 2012 (Bangkok, Thái Lan), nhà cầm quân họ Phan từ chức và lập tức được VFF chấp thuận. Ghế HLV trưởng các ĐTQG được trao lại cho một ông thầy nội khác, HLV Hoàng Văn Phúc.
Khác với ông Hùng, HLV Hoàng Văn Phúc được xem như một phương án “quá độ” trong bối cảnh VFF không mời được HLV nội nào khác nhận trách nhiệm. Hai phương án ưu tiên là Nguyễn Hữu Thắng (khi đó dẫn dắt SLNA) và Lê Huỳnh Đức (Đà Nẵng) đều từ chối. Ông Phúc cũng không tại vị được quá lâu, khi phải chia tay sau SEA Games 2013, giải đấu đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu không thành công.
Cho tới trước khi HLV Hữu Thắng lên nắm quyền, vị trí HLV trưởng các ĐTQG đã có một thời gian được trao cho thầy ngoại, là ông Toshiya Miura. Ông Miura là người đem về thành tích tốt nhất cho bóng đá Việt Nam suốt giai đoạn từ sau năm 2010 tới nay.
Nhà cầm quân người Nhật Bản cũng là HLV duy nhất dù hoàn thành tất cả các chỉ tiêu VFF đặt ra, nhưng vẫn bị mất ghế. Ông Miura mắc lỗi lớn nhất là nhất quyết không chịu sử dụng cầu thủ HAGL, từ đó bị chỉ trích không xây dựng được lối chơi thích hợp cho các đội tuyển Việt Nam.
Ông Miura đi thì HLV Hữu Thắng mới được mở đường lên tuyển, với những tuyên bố mạnh mẽ về lối chơi, đích ngắm phía trước. Nhưng lần lượt, đội tuyển Việt Nam “ngã” ở AFF Cup 2016, rồi mới đây tới lượt U22 Việt Nam thua thảm tại SEA Games 29. Ông Thắng tuyên bố từ chức ngay sau trận thua 0-3 của U22 Việt Nam trước Thái Lan hôm 24/8 ở Kuala Lumpur.
Cho tới hôm qua, theo thông tin từ VFF thì trong số gần chục bộ hồ sơ được sàng lọc ra, toàn bộ ứng viên ghế HLV trưởng ĐTVN đều là thầy ngoại. Vì sao các ông thầy nội lại có vẻ e dè như vậy đối với chiếc ghế danh giá bậc nhất nghề HLV?
Câu trả lời dễ nhất là làm HLV trưởng ở CLB an toàn và ít rủi ro hơn. Và cho dù có rủi ro, thì áp lực từ phía dư luận cũng không lớn như khi lên tuyển. Bản lĩnh như HLV Hữu Thắng cũng thừa nhận điều này trong thời gian đầu nắm tuyển. Một ví dụ điển hình có thể nhìn vào HLV Lê Huỳnh Đức (Đà Nẵng). Ông Đức luôn là ứng viên sáng giá mỗi lúc VFF nghĩ tới phương án thầy nội, nhưng “5 lần,7 lượt” đều lắc đầu từ chối.
Đã có lúc, lãnh đạo cấp cao VFF gặp trực tiếp đặt vấn đề với HLV Lê Huỳnh Đức, nhưng bất thành. Nếu so với ghế HLV trưởng ĐTVN, vị trí hiện tại ở Đà Nẵng của cựu tiền đạo Tp Hồ Chí Minh được đánh giá là “ấm và lành” hơn rất nhiều, lại không thiếu bổng lộc.
Điểm chung có thể thấy là hầu hết những HLV nội khi nhận lời mời của VFF thì hoặc đang thất nghiệp (như HLV Hữu Thắng năm 2016) hoặc yêu cầu kiêm nhiệm (như HLV Phan Thanh Hùng năm 2012). Ít người nào dám mạo hiểm đánh đổi công việc hiện tại với chiếc ghế nóng “trên” tuyển. Lần này nếu VFF mời HLV Lê Huỳnh Đức, câu trả lời ắt cũng không có gì khác.
Nói về chuyện chọn HLV trưởng, không thể không nhắc tới vai trò của Hội đồng HLV quốc gia. Về lý thuyết, tiếng nói của hội đồng này rất quan trọng bởi là tập hợp của các HLV, chuyên gia tiếng tăm nhất, nhì trong giới. VFF ắt phải lấy làm mừng vì cũng từ năm 2010 tới nay, các chủ trương của liên đoàn nhất nhất đều trùng với quan điểm từ Hội đồng HLV quốc gia, rất hiếm khi bị phản biện lại.