Bà là chủ trang trại rộng hơn 4 ha với cơ ngơi hơn 4 tỷ đồng này.
Chồng là Phó chủ tịch UBND thị trấn Thứa, bận bịu với công văn giấy tờ, công tác hành chính, ba đứa con đứa có gia đình riêng, đứa đi học xa nên trang trại một mình chị Hải quản lý.
Mô hình vườn, ao, chuồng này cho gia đình bà thu nhập trên 400 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 15 nhân công với mức lương từ 850 nghìn đến 1,5 triệu đồng/tháng.
“Ban đầu tôi không nghĩ là mình sẽ nuôi đà điểu. Thế rồi có người quen ở Trại Nghiên cứu đà điểu Ba Vì, Hà Tây (thuộc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương) khuyến khích và giúp đỡ về kỹ thuật nên đánh liều... một phen - Bà Hải bắt đầu câu chuyện.
“Nhiều người bảo trong kinh tế táo bạo quá là đánh liều với gia tài của mình, nhưng với tôi, chính sự táo bạo đến với con đà điểu đã là bước đi đúng đắn để mình có được như ngày hôm nay”, bà tâm sự.
Cầm sổ đỏ đi vay ngân hàng 300 triệu đồng đầu tư nuôi đà điểu trong khi ở tỉnh Bắc Ninh chưa có ai nuôi, thậm chí cả miền Bắc mới chỉ có vài nơi thử nghiệm thì đó quả là sự can đảm.
“Ban đầu nào tôi đã có kinh nghiệm gì đâu, nhưng được cái giống đà điểu khỏe hơn gà vịt nên dễ nuôi”.
Trên cánh tay chị còn lưu những vết sẹo nhỏ do đà điểu đá: “Lúc đầu nghe người ta nói nuôi giống này hay bị nó đá tôi cũng thấy sợ. Nhưng đã quyết định nuôi thì không thể bỏ cuộc. Không ngờ bị nó đá thật. Lần đầu tiên bị đà điểu đá, tôi đau mấy tuần liền”.
Không chỉ một lần mà hai rồi ba lần chị đã từng bị đà điểu đá. Nhưng rồi khi đã có kinh nghiệm, đàn đà điểu giống của chị cứ thế sinh sôi phát triển. Bây giờ chị còn xuất đà điểu thịt cho các nhà hàng ở Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng… “Mấy tuần nay trang trại làm thịt liên tục mà vẫn không đủ cung cấp cho các nhà hàng về lấy”- Một công nhân đang làm thịt đà điểu bên giếng cho biết.
Chúng tôi không khỏi trầm trồ trước 100 con đà điểu, mỗi con nặng hơn 70 cân cao lêu nghêu chạy trong khoảng sân được bao bởi lưới thép. Chị giải thích: “Đàn đà điểu này bắt đầu chỉ từ ba con giống thôi đấy. Sau 4 năm, bây giờ tôi có 100 con mỗi năm, riêng 15 con đà điểu sinh sản cho mỗi năm 5 cặp trứng/con”. Giá trứng đà điểu hiện tại là 500.000 đồng/quả
Biến đất trũng thành trang trại
Bà đưa chúng tôi đi dọc con đường nhỏ trong trang trại. Ba dãy chuồng gà với hơn 1.000 con gà, trong vườn là xoài, nhãn, khế, táo đã cho thu hoạch làm cho không gian của cái trang trại vốn đã trù phú này trở nên nhộn nhịp vào bất kỳ thời điểm nào.
Để có được cơ ngơi như hôm nay, đối với chị Hải là cả một quá trình không biết mệt mỏi.
Bà Hải còn nhớ như in ngày đầu tiên nhận đất làm trang trại: “4ha đất khi đó phần lớn là trũng và chua nặng. Nói thật, lúc đầu tôi cũng không dám nghĩ là mình có thể xây dựng được trang trại trên mảnh đất này”.
Thế rồi nghị lực, quyết tâm của người phụ nữ dám nghĩ dám làm đã biến vùng đất trũng thành một trang trại lớn bậc nhất Bắc Ninh.
Hàng ngày 10 người hì hụi đào đất vừa làm ao thả cá vừa để nâng cao phần diện tích trũng, khử chua, đào hố trồng cây, xây chuồng trại… cho 4 ha đất. “Phải 5 người mới đẩy được một xe vữa. Xây một cái chuồng bé bé vất vả bằng người ta xây cái nhà! Mấy chị em cứ hì hục như thế đến ba tháng trời”- Bà nhớ lại.
Thế rồi lứa ngan đầu tiên cũng bắt đầu đẻ trứng. “Ngày đầu tiên đi thu trứng, mấy chị em vui như hội khi cầm trong tay những quả trứng, thành quả lao động của mình”.
Nhưng chưa hết mừng thì khó khăn lại ập đến: Do chưa nắm vững kỹ thuật ấp trứng nên lứa trứng đầu tiên gần như mất trắng vì nhiệt độ lò ấp quá cao, bốn phần thì cháy mất ba. Nhìn lứa trứng đầu tiên, nước mắt bà chảy dài mà chẳng thốt nên lời.
Rồi những lần con giống bị ế, chẳng ai đến mua, bà lại đạp xe đi đến tận từng địa phương để tìm khách hàng. Phú Thọ, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương… đã từng ghi dấu chân bà trong cái thời cơ cực.
Khó khăn, vất vả rồi cũng phải thua lòng người kiên nhẫn, đàn gà và ngan của chị từ 200 lên 500 rồi 1.000 con. Sắp tới, bà đang ấp ủ dự định nhân đàn gà lên 6.000 con.
Nắm vững kỹ thuật, chị đầu tư hệ thống lò ấp với công suất 1 vạn quả trứng/lần. Tiền lãi hàng năm của trang trại từ mấy triệu lên mấy chục triệu, rồi 200 triệu đồng và bây giờ là trên 400 triệu đồng.
Từ mô hình của mình, bà đang nhân dần ra cho các hộ gia đình khó khăn trong huyện. Anh Hưng, chị Mai, anh Quân ở xã Phú Hòa, chị Đốc ở thị trấn Thứa, chị Thanh ở xã Phú Lương được chị cung cấp con giống và kỹ thuật đã nuôi thành công những lứa ngan, gà đầu tiên.
Phan Kiền
Năm 2004, bà là một trong chín đại biểu của tỉnh đi dự Đại hội VI Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, liên tục hai năm (2004 - 2005) nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2005, bà cũng là một trong những gương mặt sáng giá của tỉnh đi báo cáo điển hình toàn quốc về làm kinh tế giỏi, năm 2006 nhận Kỷ niệm chương của UBND tỉnh Bắc Ninh.
Tháng 9/2006, ông Nguyễn Thế Thảo lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh về tham quan trang trại của bà gật gù liên tục trước thành quả của người phụ nữ giàu nghị lực và đề nghị nhân rộng mô hình trang trại ra khắp tỉnh.