Gần 50% phụ nữ mắc chứng sa tạng chậu

TPO - Theo thống kê của Hội Sàn chậu TP Hồ Chí Minh, cứ 3 phụ nữ từng mang thai và sinh đẻ thì lại có một người bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu.

Đó là thông tin được báo cáo tại  hội nghị Sàn chậu học TPHCM lần thứ thứ 13 với chủ đề " Phẫu thuật sửa chữa sa tạng chậu” diễn ra vào chiều 2/11.

Theo thống kê của Hội Sàn chậu TPHCM, cứ 3 phụ nữ từng mang thai và sinh đẻ thì có một người bị són tiểu. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu. Trong đó, cứ 5 người thì có một người bị sa từ 2 cơ quan trở lên như sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng.

Sa tạng chậu là sự tụt xuống của một hoặc nhiều cơ quan vùng chậu ra khỏi vị trí bình thường

Sa tạng chậu là sự tụt xuống của một hoặc nhiều cơ quan vùng chậu ra khỏi vị trí giải phẫu bình thường, do sự tổn thương và suy yếu các cấu trúc cân cơ và dây chằng nâng đỡ sàn chậu.

Theo các BS, Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên sa tạng chậu là do quá trình sinh nở. Khi sanh, các cơ hỗ trợ nâng đỡ cơ quan vùng chậu của thai phụ bị giãn ra hết mức dẫn đến các cơ này nhanh chóng yếu đi. Một nguyên nhân khác khiến các cơ quan vùng chậu bị sa đó là sự sụt giảm nồng độ hormone estrogen trong thời kỳ trước và sau khi mãn kinh. Điều này làm cho cơ thể bị thiếu hụt lượng collagen cần thiết để hỗ trợ các mô liên kết vùng chậu. Ngoài ra, các trường hợp khác như béo phì, ho kéo dài, gắng sức khi đại tiện (do táo bón) và các bệnh ung thư ở các cơ quan lân cận cũng có thể gây sa tạng.
Sa tạng chậu không đe dọa đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người phụ nữ.
Hội nghị Sàn chậu học TP Hồ Chí Minh là sự kiện y học thường niên, là dịp để các chuyên gia trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến hoạt động chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và phát triển chuyên ngành sàn chậu học tại Việt Nam.