Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực huyện Kon Plông và lân cận ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên, trong đó hai trận động đất mạnh nhất xảy ra vào năm 1937 với độ lớn lần lượt là 3.9 và 3.0
Tuy nhiên, chỉ từ tháng 4/2021 đến nay, thống kê cho thấy, hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần xuất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần. Cụ thể, trong năm 2021 đến nay ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ M >=2.5. Đặc biệt từ 15-18/4, đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với tổng số 22 trận động đất với độ lớn M = 2.5 đến 4.5.
TS Xuân Anh nhận định, động đất huyện Kon Plông xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực trên, tuy nhiên chắc chắn các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất có khả năng gây ra tại khu vực trên, Viện Vật lý địa cầu vừa có công văn kiến nghị Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai xem xét cho phép tiến hành thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về độ nguy hiểm và rủi ro động đất đối với khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Một số nội dung cụ thể gồm tiến hành nghiên cứu đánh giá chi tiết mô hình cấu trúc và độ lớn động đất cực đại có khả năng phát sinh của các hệ thống đứt gãy khu vực huyện Kon Plông và lân cận. Thiết lập ngay một mạng trạm quan sát động đất địa phương (gồm 5 trạm) tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận. Triển khai việc nghiên cứu nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận.
Bên cạnh đó, tiến hành đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng các kịch bản ứng phó rủi ro có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận. Thực hiện hiện rà soát, đánh giá về công tác thiết kế kháng chấn đối với các dự án thủy điện và các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo TS Lê Huy Minh, Viện Vật lý Địa cầu, nhiều khả năng động đất xảy ra tại Kon Plông là động đất kích thích, xảy ra khi hồ chứa thủy điện, thủy lợi tích nước, gây áp lực lên hệ thống đứt gãy bên dưới.
PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất cũng cho rằng, động đất tại Kon Plông nhiều khả năng là động đất kích thích bởi thời điểm gia tăng động đất trùng với thời điểm Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đặt tại huyện Kon Plông vận hành và phát điện tổ máy số 1 (24/3/2021).
Đặc biệt, khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy Rào Quán - A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới (Thừa Thiên - Huế), kéo dài tới Quy Nhơn (Bình Định). Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này tích nước hồ chứa.
Trong đó, tại thủy điện sông Tranh 2, động đất xảy ra từ năm 2012, kéo dài đến tận bây giờ, từng gây ra nhiều lo ngại cho người dân và chính quyền các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Tại Thủy điện Đắk Đrinh, động đất kích thích xảy ra thời gian ngắn hơn, cường độ và tần suất ít hơn.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, tại khu vực xảy ra động đất ở Kon Tum, động đất tự nhiên cực đại được nhận định có thể đạt khoảng 5.9 độ, động đất kích thích cực đại thấp hơn, có thể dưới 5 độ. Vì vậy trận động đất mạnh 4.5 chiều qua có thể là kích động chính (trận động đất có cường độ mạnh nhất trong chuỗi các trận động đất kích thích) của hoạt động động đất kích thích ở khu vực này. Theo quy luật, sau kích động chính sẽ xảy ra thêm nhiều trận động đất khác nhưng cường độ nhỏ hơn.
Động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Tum là hiện tượng bất thường, hiếm gặp
Sáng 19/4, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai họp khẩn với các đơn vị, bộ, ngành và tỉnh Kon Tum về ứng phó với động đất xảy ra tại huyện Kon Long trong mấy ngày qua.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết: “Dự báo sắp tới, khu vực Kon Plông có thể tiếp tục xảy ra các trận động đất, với độ lên tới 5-5,5 Richter. Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục theo dõi để có đánh giá thêm”.
Lãnh đạo huyện Kon Plông đề nghị Viện Vật lý địa cầu cần có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, dự báo diễn biến động đất trên địa bàn huyện để có kế hoạch ứng phó kịp thời .
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai nhận định, các trận động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Tum mấy ngày qua là hiện tượng bất thường. Tình hình sắp tới còn có thể tiếp tục xảy ra các trận động đất.
Ông Hoài đề nghị Viện Vật lý địa cầu tiếp tục theo dõi sát diễn biến động đất, có nghiên cứu tổng thể, sớm đưa ra các cảnh báo, dự báo cho người dân. Đồng thời, các đơn vị phải tăng cường, phối kết hợp với thủy điện, địa phương cung cấp thông tin nhanh chóng, tránh để người dân hoang mang, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Ông Hoài đề nghị UBND tỉnh Kon Tum giao nhiệm vụ cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh rà soát, lên kế hoạch ứng phó với các sự cố có thể xảy ra. Ngay sau cuộc họp này, tỉnh cần cử các đoàn xuống kiểm tra tới các địa bàn để nắm sát tình hình.
Đặc biệt, hiện các hồ chứa trên địa bàn Kon Tum đang tích đầy nước, nếu xảy ra sự cố sẽ rất nguy hiểm, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị thủy điện Thượng Kon Tum dừng ngay việc tích nước vào thời điểm này. Các hồ chứa, hồ thủy lợi phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hoạt động, giảm tích nước; đồng thời chủ động thông tin kịp thời cho người dân.