Gần 100 cơ sở mầm non ngoài công lập ở TPHCM giải thể do dịch COVID-19

TPO - Kể từ khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát, TPHCM có hơn 5.800 trẻ em là F0, gần 100 cơ sở mầm non ngoài công lập phải giải thể.

Thông tin trên được bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non của Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TPHCM nêu ra tại Hội nghị giao ban triển khai thực hiện nhiệm vụ, công tác trọng tâm của năm học 2021-2022 của ngành giáo dục mầm non thành phố diễn ra ngày 19/1.

Một trường mầm non treo bảng chiêu sinh

Bà Điệp cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại TP.HCM có gần 3.097 cơ sở giáo dục mầm non ngưng hoạt động từ 3 đến 6 tháng, trong đó gần 100 cơ sở mầm non ngoài công lập giải thể. Đáng nói, toàn thành phố có 20 trường và 79 nhóm lớp mầm non công lập phải giải thể. Tính từ tháng 5-2021 đến nay, số ca F0 trong ngành là hơn 5.800 trẻ em, và gần 5.300 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó, gần 10.000 người đã điều trị khỏi.

Về kế hoạch đón học sinh trở lại trường sau Tết Nguyên đán, bà Điệp cho hay, trong năm ngày đầu tiên đi học trở lại, thành phố chia ra nhiệm vụ cụ thể của từng ngày học.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, nếu được đồng ý cho đi học lại trong tháng 2, các cơ sở giáo dục mầm non cần chuẩn bị kỹ hơn, chặt chẽ hơn so với bậc tiểu học. Ông Lê Hoài Nam đề nghị, bậc học mầm non của thành phố nên thêm chủ đề là chuẩn bị cho trẻ thêm các kỹ năng sống thích ứng với mùa dịch.

Ông Nam cũng đề nghị, các trường, cơ sở giáo dục mầm non cần tuyên truyền rõ ràng cho phụ huynh, học sinh biết rằng đi học lại là trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, không ép buộc.

Đặc biệt, đối với các nhóm trẻ độc lập, tư thục, ngoài công lập cần phải làm chặt chẽ, đảm bảo tối đa, an toàn cho công tác phòng chống dịch COVID-19 là trên hết, đặc biệt phải đảm bảo nghiêm túc 5K theo yêu cầu của ngành y tế.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc đón trẻ trở lại trường, ông Nam cho hay, Sở đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT có văn bản gửi lãnh đạo các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị không bố trí các trường mầm non làm điểm tiêm vắc xin nữa, mà cần phải bố trí nơi khác, để các trường thực hiện việc sửa chữa, tu bổ cơ sở vật chất chuẩn bị cho học sinh đi học lại.