Gam màu sáng tối từ kết quả kinh doanh quý 2

TP - Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết quý 2 năm nay đã “thoát dần” khó khăn, có những doanh nghiệp có lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp kết quả kinh doanh vẫn màu xám do thiếu đơn hàng, vốn... Doanh nghiệp chờ chính sách hỗ trợ dần thẩm thấu để tiếp tục phục hồi sản xuất kinh doanh.

Công bố kết quả kinh doanh quý 2, nhiều ngân hàng đã đạt được tốc độ tăng trưởng dương, lĩnh vực bất động sản nhiều doanh nghiệp đã giảm dần lỗ và có lãi. Vinhomes báo cáo lợi nhuận quý 2 năm 2023 đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ…

Công nhân Công ty Chí Hùng (TP Tân Uyên, Bình Dương) ảnh: Hương Chi

Bên cạnh những gam màu sáng đó, doanh nghiệp ở nhiều ngành, đặc biệt là những ngành xuất khẩu nhiều, kết quả còn khó khăn. Trong lĩnh vực dệt may, doanh thu của hàng loạt doanh nghiệp (DN) “chạm đáy”, do thiếu đơn hàng. Ít việc, DN cũng mạnh tay cắt giảm lao động. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Cty CP Garmex Sài Gòn lỗ 54 tỷ đồng. Garmex cắt giảm lượng lớn nhân sự để kiểm soát chi phí. Cuối tháng 6/2023, nhân sự tại Garmex chỉ còn 41 người, giảm 144 người so với cuối tháng 3. Cty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công vừa trải qua quý ghi nhận lợi nhuận thấp kể từ cuối năm 2021, chỉ 2,3 tỷ đồng. Thiếu đơn hàng cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Cty Cổ phần Sợi Thế Kỷ giảm 47% so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính của nhiều DN dệt may cùng cho thấy tình trạng hoạt động cầm chừng, do chỉ nhận được đơn hàng số lượng nhỏ, đơn giá thấp. Tỷ lệ lấp đầy đơn hàng cũng không cao.

Tổng cầu trong nước suy yếu chi tiêu của hộ gia đình giảm. Người tiêu dùng thắt hầu bao, các DN bán lẻ vẫn chưa hết khó. Trong bức tranh của nền kinh tế vẫn còn gam xám, đầu tư công còn chậm, ngành thép, vật liệu xây dựng vẫn khó. Lợi nhuận sau thuế quý 2 của Tập đoàn Hòa Phát đạt 1.448 tỷ đồng, giảm 64%. Xi măng Vicem Bút Sơn lỗ ròng 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 30 tỷ đồng. Nhìn chung nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng vừa bước qua thêm một quý khó khăn, bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều thách thức phải chờ đợi thêm thời gian mới có thể phục hồi.

Các bộ, ngành cùng vào cuộc

Nhìn vào kết quả kinh doanh quý 2, nhận định về tình hình DN hiện nay, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Cty Dữ liệu FiinGroup cho biết, tổng lợi nhuận sau thuế của 683 DN (đã công bố báo cáo) giảm gần 17% so với cùng kỳ năm trước, và là quý thứ 3 liên tiếp suy giảm. DN đang ở giai đoạn rất khó khăn, thậm chí hơn cả thời kỳ đầu năm 2020 (gián đoạn kinh doanh do Covid-19). Tuy nhiên, khó khăn hiện tại của DN được kỳ vọng đã chạm đáy.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ít có giai đoạn nào VCCI tiếp nhiều đoàn DN phản ánh khó khăn tới vậy. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, ngoài khó khăn về thị trường, khó khăn từ chính sách mới là vấn đề lớn với DN. Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành, nhưng theo ông Tuấn, hành động của cơ quan thực thi đang không giống với mục tiêu từ Chính Phủ. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo điều hành đảm bảo về vốn, hạ lãi suất, trong khi đó tình trạng nợ đọng, không hoàn được thuế giá trị gia tăng xảy ra ở rất nhiều ngành hàng.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành cùng vào cuộc. TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) kỳ vọng, những giải pháp cụ thể nêu tại nghị quyết (gỡ vướng trong việc triển khai chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ, giải quyết được tình trạng khó khăn và chi phí cao trong tiếp cận tín dụng) sẽ sớm được triển khai. “Điểm đặc biệt trong nghị quyết là nêu rõ việc các bộ ngành trung ương phải là đầu mối xử lý các vướng mắc về môi trường đầu tư kinh doanh, nêu mốc thời gian thực hiện/báo cáo. Trên tinh thần ấy, cơ quan thực sự phải dứt khoát phá bỏ quan điểm sợ sai, không dám quyết”, ông Việt nhấn mạnh.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tháng 7/2023, số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 20.761, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn chưa giảm.