Forbes viết gì về VinUni?

Vingroup mở trường đại học, với kỳ vọng đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực cho hoạt động của mình. Lễ khánh thành VinUni diễn ra ngày 15/1, sau gần 2 năm xây dựng, hiện thực hóa khát vọng xuất hiện trên bản đồ các trường đại học đẳng cấp thế giới.
Kinh tế của Việt Nam ước tính tăng trưởng khoảng 7,02% trong năm nay, được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực sản xuất. Các chủ sở hữu nhà máy từ nước phát triển ở châu Á đang tìm Việt Nam vì lao động giá rẻ, nhưng đồng thời, đó cũng không phải lao động chất lượng cao. 

Giờ đây, khi nhiều công ty mở rộng, họ đang phát triển văn phòng đại diện cũng như R&D. Điều đó có nghĩa là tạo ra thêm việc làm cho các kỹ thuật viên, nhà tiếp thị và trợ lý cho nhà quản lý quốc gia. Nhưng nhiều công ty đang gặp trục trặc với tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề, vì nhiều trường học ở Việt Nam chưa dạy đúng những kiến thức và kỹ năng họ cần, Forbes đánh giá.

Vingroup muốn đưa ra một giải pháp. Họ đã được phê duyệt mở trường đại học vào tháng 12. Trường có trụ sở tại Hà Nội, trị giá 151 triệu USD, được đặt tên là VinUniversity (gọi tắt là VinUni), dự kiến sẽ thu hút giảng viên hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới để đào tạo ra nguồn lao động chất lượng cao - với nhu cầu nhân lực ngày càng tăng của tập đoàn - Bà Lê Mai Lan - Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch dự án ĐH VinUni cho biết.

"Tập đoàn Vingroup đặt mục tiêu phát triển thành một tập đoàn dịch vụ công nghệ xuyên biên giới và hàng đầu trong khu vực, với hàm lượng công nghệ cao", bà Lan cho biết. "Chúng tôi cần những nhà lãnh đạo và chuyên gia xuất sắc để đạt được mục tiêu. Do đó, về lâu dài, VinUni cần phát triển lực lượng lao động ưu tú phù hợp với với hệ tư tưởng quản lý và phát triển của các doanh nghiệp trong Tập đoàn Vingroup".
Tranh giành lao động chất lượng cao

Từ năm 2012, Việt Nam đã trở thành điểm đến phù hợp để sản xuất hàng xuất khẩu, từ phụ tùng xe hơi đến giày thể thao. Tiền lương tối thiểu hàng tháng ở mức 132 USD - con số hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. 

Nhưng mức lương đó chỉ đủ để trả cho một công nhân nhà máy, chứ không phải một lao động có thể điều hành văn phòng chính hay thiết kế hàng xuất khẩu giá trị cao, như điện tử. 

"Các trường đại học công không thể theo kịp nhu cầu lao động tăng vọt của các công ty nước ngoài. Các trường đại học Việt Nam đang chậm hơn Thái Lan hàng thập kỷ và chắc chắn các trường đại học tốt nhất ở Trung Quốc cũng đang đi trước các trường đại học Việt Nam", ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Kinh tế MeKong cho biết. 

Tổng cục Thống kê cho biết, lượng lao động không có tay nghề chiếm tới 77% tổng lực lượng lao động, với sinh viên tốt nghiệp đại học ở mức dưới 10%. 

Vì thế, Vingroup mở trường đại học, với kỳ vọng đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực cho hoạt động của mình. Lễ khánh thành VinUni diễn ra ngày 15/1, sau gần 2 năm xây dựng, hiện thực hóa khát vọng xuất hiện trên bản đồ các trường đại học đẳng cấp thế giới.

VinUni có mức học phí 35.000 USD mỗi năm cho các ngành quản trị kinh doanh, khoa học máy tính và khoa học chăm sóc sức khỏe. Khuôn viên trường có một tòa nhà theo phong cách châu Âu, sơn trắng, cao 8 tầng với một gác chuông hùng vĩ, gợi nhớ đến các trường đại học phương Tây.

VinUniversity sẽ tuyển dụng các giáo sư có kinh nghiệm từ các công ty đa quốc gia. Mối quan tâm hàng đầu của VinUni là làm thế nào để đảm bảo chất lượng học tập đẳng cấp thế giới cho học viên. 

Năm 2017, Đại học Cornell đã ký một thỏa thuận giúp phát triển VinUniversity. Trường Ivy League cũng cho biết sẽ đóng góp cho cơ sở hạ tầng của trường, tuyển dụng giảng viên và phát triển chương trình giảng dạy và dẫn dắt việc hợp tác tư vấn cho các trường cao đẳng kinh doanh và kỹ thuật của VinUniversity.
Theo Theo Trí Thức Trẻ