EURO không chỉ mang lại vinh quang, niềm tự hào, mà còn cả về tiền bạc. Với quỹ thưởng lên tới 331 triệu euro, mọi đội bóng tham dự EURO 2024 sẽ có ngay 9,25 triệu trong tài khoản. Càng tiến xa, số tiền thưởng cũng theo đó mà tăng lên. Trong trường hợp lên ngôi vô địch, một đội bóng có thể kiếm tối đa 28,25 triệu euro.
Quỹ thưởng hào phóng này được tạo ra bởi doanh thu tăng vọt khi EURO nâng số đội lên 24 bắt đầu từ năm 2016. Trước đó vào năm 2012, với 16 đội tham dự, quỹ thưởng chỉ có 196 triệu euro.
Tuy nhiên mặt trái cũng nảy sinh từ đây. Việc có 24 đội (ít hơn 8 so với World Cup) nhưng vòng knock-out vẫn bắt đầu từ vòng 1/8 có nghĩa chỉ 8 đội bị loại sau khi vòng bảng khép lại. Các đội chợt nhận ra rằng không nhất thiết phải thắng hết cả 3 trận vòng bảng. Thậm chí chỉ cần 3 điểm từ 3 trận hòa vẫn có thể đi tiếp với tư cách đội đứng thứ 3 có thành tích tốt nhất. Thay vì cố gắng giành chiến thắng, nhiều đội theo đuổi chiến thuật tránh thất bại.
Vòng bảng EURO 2024 đã diễn ra theo cách đó, với loạt đầu tưng bừng, loạt hai căng thẳng và loạt ba nhàm chán. Với trung bình 2,8 bàn mỗi trận (cao nhất kể từ EURO 2004), lượt đầu tiên đầy hứng khởi khiến tất cả nghĩ rằng đây sẽ là giải đấu hấp dẫn nhất từ trước đến nay. Thế nhưng con số này bất ngờ giảm xuống còn 2,3 bàn/trận ở lượt hai, khi các đội bắt đầu toan tính khả năng đi tiếp.
Tới lượt thứ ba, trung bình 1,7 bàn/trận giảm xuống thấp nhất kể từ EURO 2004, với 10/12 trận không quá 2 bàn thắng. Rất nhiều trận đấu tẻ nhạt đã diễn ra với rất ít ham muốn tấn công dù đó là Anh, Pháp hay Bỉ. Kết thúc, bảng C trở thành bảng nhàm chán nhất với chỉ 1/6 trận có kết quả thắng thua, trong khi bảng E đi vào lịch sử khi lần đầu tiên có tới 4 đội cùng 4 điểm (1 thắng 1 hòa 1 thua).
Đan Mạch cũng gây chú ý khi chỉ có 3 điểm nhưng đứng thứ hai nhờ ít hơn Slovenia… 1 thẻ vàng. Tuy nhiên Slovenia không có gì phải buồn. Họ vẫn lọt vào vòng 1/8 dù không thắng bất bất cứ trận nào (hòa cả 3 trận, ghi 2 bàn và thủng lưới 2). Điều này mang lại cảm giác khá bất công với Ukraine, đội kiếm được 4 điểm vẫn phải về nước sớm do không nằm trong nhóm xếp thứ 3.
Thật ra tính công bằng vốn dĩ không tồn tại với thể thức hiện tại. Ở lượt thứ ba, những đội thi đấu trước hoàn toàn không biết số phận của mình sẽ ra sao, còn các đội đá sau có thể lên kế hoạch phù hợp, phải thắng hay chỉ cần hòa và ghi bao nhiêu bàn, lĩnh bao nhiêu thẻ là đủ để tiến vào vòng trong.
Thế mới có chuyện Hungary cuồng nhiệt ăn mừng chiến thắng trước Scotland vào tối Chủ nhật, sau đó nán lại nước Đức tới thứ Tư chỉ để biết tin, họ bị loại. Tuy nhiên cũng có trường hợp như Anh, với 2 trận đầu tiên gây thất vọng nặng nề đột nhiên được thông báo đã giành quyền đi tiếp bất chấp kết quả trận cuối.
Trước đây EURO vẫn tự hào là một giải đấu giàu cạnh tranh, hội tụ những đội bóng hàng đầu châu lục (thậm chí là thế giới). 4 kỳ liên tiếp từ 1980 đến 1992 chỉ có 8 đội giành quyền tham dự VCK, sau chiến dịch vòng loại đầy cam go.
Cho đến năm 1996, EURO nâng lên 16 đội và nhiều người cảm thấy đây là định dạng tiêu chuẩn bởi sự gọn gàng, với 4 bảng đấu chọn ra 8 đội vào tứ kết. Chất lượng các trận đấu cũng tăng, kéo theo số lượng lớn bàn thắng. Trong 4 kỳ từ 2000 đến 2012, trung bình bàn thắng mỗi trận không bao giờ dưới 2,45, cá biệt năm 2000 tăng vọt lên 2,74.
Tiếc rằng các nhà tổ chức muốn nhiều trận đấu hơn. Sự tham gia của 24 đội và thêm vòng 1/8 khiến số trận đấu tăng từ 31 lên 51, mang lại lợi nhuận khổng lồ từ bán quảng cáo, bản quyền truyền hình, vé và các giá trị gia tăng khác. Như tại EURO 2020, bất chấp bối cảnh Covid-19 vẫn tạo ra doanh thu gần 1,9 tỷ euro. EURO 2024 lần này, UEFA dự kiến doanh thu khoảng 2,5 tỷ euro.
Những con số hấp dẫn này khuyến khích về một sự mở rộng khác trong tương lai. Cách đây không lâu, kế hoạch nâng số đội lên 32 từ EURO 2028 đã bị xếp lại, nhưng các cuộc vận động vẫn đang được xúc tiến.
Theo lập luận của những người ủng hộ, việc hơn một nửa quốc gia thành viên của UEFA (tổng 55) giành quyền tham dự sẽ loại trừ nguy cơ các đội bóng lớn phải ở nhà xem TV, đồng thời mang đến cơ hội cho những quốc gia bị đánh giá thấp. Thêm nữa, loại bỏ bất cập từ việc xét duyệt đội thứ 3 có thành tích tốt nhất.
Tuy nhiên, các đánh giá về chất lượng chuyên môn đã bị bỏ qua. Đúng là nhiều đội bóng nhỏ vẫn có khả năng tạo nên những màn trình diễn hay như Georgia hay Albania, nhưng nhìn chung, không ít trận đấu diễn ra uể oải và kém chất lượng. Một phần lý do đến từ việc các cầu thủ đã quá mệt mỏi sau mùa giải kéo dài. Động lực cùng sự khát khao chủ yếu được nhìn thấy ở các đội bóng nhỏ, không phải từ nhóm đại gia hay những ngôi sao lớn.
Vậy giải đấu được mong chờ thứ hai hành tinh, chỉ sau World Cup, sẽ ra sao nếu tiếp tục phình to? Chúng ta hãy cũng chờ xem.
Sau 36 trận đã đấu, EURO 2024 đã chứng kiến 81 bàn được ghi. Trung bình 2,25 bàn mỗi trận là hiệu suất thấp thứ hai kể từ EURO 2000, chỉ cao hơn 2,12 của EURO 2016. Đáng chú ý, 2024 và 2016 là 2 trong 3 kỳ diễn ra với thể thức 24 đội.