Đây được coi là thời điểm quan trọng đối với công ty 16 năm tuổi và đang giữ vai trò là một trong những mạng xã hội có ảnh hưởng nhất thế giới. Tuy nhiên, Twitter cũng đang đối mặt hàng loạt thách thức.
Tỷ phú Musk chỉ trích sự kiểm duyệt của Twitter, tự gọi mình là người hoàn toàn ủng hộ tự do ngôn luận. Ông cho rằng thuật toán của Twitter ưu tiên những tweet tích cực nên được phổ biến, và chỉ trích mạng xã hội này trao quá nhiều quyền cho các công ty quảng cáo.
Các nhà hoạt động chính trị kỳ vọng rằng việc đổi chủ của Twitter sẽ giảm bớt sự kiểm duyệt và khôi phục tài khoản của các cá nhân bị cấm, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động nhân quyền lo ngại nguy cơ gia tăng những phát biểu thù hận.
Thỏa thuận của ông Musk tiếp nối xu hướng các tỷ phú kiểm soát các cơ quan báo chí-truyền thông, mạng xã hội có ảnh hưởng lớn. Tỷ phú Jeff Bezos mua tờ Washington Post năm 2013.
Với khối tài sản khoảng 268 tỷ USD theo ước tính của tạp chí Forbes, tỷ phú Musk nói rằng ông không quan tâm quá nhiều đến vấn đề kinh tế của Twitter. “Có một nền tảng công cộng được tin tưởng tối đa và bao trùm là điều cực kỳ quan trọng đối với tương lai của nền văn minh. Tôi không quan tâm đến chuyện kinh tế chút nào”, ông nói trong bài phát biểu công khai gần đây.
Tỷ phú Musk là tổng giám đốc điều hành của hãng xe điện Tesla và hãng công nghệ vũ trụ SpaceX. Chưa rõ ông sẽ làm gì với Twitter sau thương vụ 44 tỷ USD. Ngày 25/4, giá cổ phiếu của Twitter tăng 5,7% lên 51,7 USD.