El Nino có thể làm gia tăng lây truyền dịch bệnh

TP - Bộ Y tế cho biết, theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) và các loại arbovirus khác như Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản.

Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho thấy, hiện tượng El Nino có khả năng cao xảy ra vào nửa cuối năm 2023. Hiện nay thời tiết bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Việt Nam là nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm và nằm trong khu vực lưu hành cao các bệnh do muỗi truyền.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC), trong tuần 26, Thủ đô đã ghi nhận 170 ca mắc SXH tại 23 quận, huyện và không có ca tử vong. Cộng dồn trong năm 2023, Hà Nội có 823 ca mắc SXH. Đến nay, thành phố chưa ghi nhận ca tử vong. Số ca mắc tăng gần 3,5 lần so với cùng kì năm 2022 (238 ca mắc). CDC Hà Nội dự báo, dịch SXH trên địa bàn có xu hướng gia tăng, đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ...

Dự báo thời gian tới số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Phân tích nguyên nhân khiến Hà Nội sẽ trở thành điểm nóng của dịch SXH trong thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: “Muỗi Aedes, vector truyền bệnh, là muỗi “sang chảnh”, muỗi “thành phố”. Chúng không đẻ trứng ở ao tù nước đọng mà chỉ đẻ ở vùng nước sạch. Do đó, những vật dụng của người dân chứa nước sạch như nước mưa, nước điều hòa vô tình sẽ là ổ đẻ của muỗi. Do đó, mật độ đô thị càng đông đúc, muỗi càng phát triển. Người dân ở nội đô khả năng bị SXH càng cao”.

TS. Dũng thông tin thêm, một trong những yếu tố tác động, gây ra sự biến động của bệnh SXH là ảnh hưởng của El Nino và hiệu ứng nhà kính. “Tác động của El Nino khiến nhiệt độ tăng lên, do đó, muỗi trưởng thành nhanh hơn, chích đốt nhiều hơn. Virus tăng sinh nhanh hơn trong muỗi, làm giảm thời gian ủ bệnh bên ngoài, tỉ lệ muỗi có khả năng truyền nhiễm cao”.

Nhân viên y tế Hà Nội hướng dẫn người dân diệt bọ gậy phòng SXH

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y Dược TPHCM nhận định, theo các đánh giá, El Nino làm tăng một số dịch bệnh khác như Hanta, dịch hạch, dịch tả… Các bệnh này thường không phổ biến lưu hành ở Việt Nam nhưng cần quan tâm. Thời tiết nắng nóng, đi kèm mưa nhiều thuận lợi cho nhiều loại virus phát triển.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, ngày 14/7, Bộ Y tế gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo: Triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt loăng quăng, bọ gây trên địa bàn ngay trong tháng 7. Các đơn vị theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử lí triệt để 100% ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương; Rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em.

Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, đặc biệt là tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời; Có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.