Không như thường lệ, sáng 18-3, hàng chục quầy thịt lợn ở chợ Tân Mỹ (quận 7, TPHCM) đìu hiu. Chị Hà vừa xua ruồi, vừa than thở: “Ngày chủ nhật, lượng người đi chợ nhiều nhưng cả buổi sáng bán chỉ được hơn 20kg”.
Theo chị, cách đây 10 ngày, mỗi ngày bán ra từ 70-100kg thịt lợn các loại và bỏ mối khoảng 100kg nữa cho các quán cơm. Nay quán cơm bình dân chỉ lấy 50 kg.
“Lúc trước, giá heo đùi 95.000 đồng/kg nhưng nay giảm xuống còn 65.000 đồng cũng ế rề”- chị Hà nói.
Mười sạp bán thịt lợn ở chợ Bùi Văn Ba (quận 7, TPHCM) trong tình trạng tương tự. Trong khi đó, các sạp bán thịt bò, gia cầm sống, hải sản… đông khách lạ thường.
Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ sạp thịt heo ở chợ Bùi Văn Ba, cho biết, hai hôm nay không lấy thịt lợn sát da, nạc nhiều để bán nữa, chỉ bán thịt mỡ nhiều nhưng sức mua giảm.
“Tụi tui giải thích nguồn thịt lợn lấy ở thành phố, không phải từ Đồng Nai nhưng nhiều khách quen cũng không mua”, chị nói. Tuy nhiên, theo chị Hoa, do giá giảm mạnh, thịt lợn còn khoảng 43-50.000 đồng/kg nên vẫn bán được nhiều cho công nhân.
Trong khi thịt lợn ế ẩm, tại chợ Tân Mỹ, rau củ quả, thịt bò, cá, hải sản tươi sống… tăng giá trở lại. Rau mồng tơi, cải thìa, rau dền, rau bó xôi, rau muống… đều tăng 500 - 1.000 đồng/kg.
Thịt sạch chết chìm theo thịt bẩn
Tại siêu thị Coop-mart Phú Mỹ Hưng, TPHCM cuối tuần qua, lượng thịt lợn bán ra giảm mạnh. Một nhân viên bán quầy thịt nói: “Nhiều người sợ thịt lợn ở chợ không nguồn gốc, lợn siêu nạc dùng hóa chất nên vào siêu thị mua nhưng cũng có người ngại ăn thịt này”.
Ông Tạ Huy Vũ, Giám đốc siêu thị Maximark 3 tháng 2 (TPHCM) nói rằng lượng thịt lợn tiêu thụ ở siêu thị trong tuần qua giảm do tâm lý e ngại của người tiêu dùng. “Người tiêu dùng đã chọn nhiều loại thực phẩm thay thế”, ông nói.
Ông Trần Quang Trung, chủ trại chăn nuôi 2.000 con lợn, ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, cho biết giá lợn hơi đã giảm hơn 10 triệu đồng/tấn.
Theo ông Trung, hiện một lượng lớn lợn ở trại ông đã nặng hơn 1,2 tạ/con nhưng do giá lợn rớt mạnh, sức mua giảm nên rất khó bán ra.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 18-3, ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Cty TNHH Chăn nuôi Thanh Bình ở Đồng Nai, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, nói: “Để xảy ra tình trạng người chăn nuôi dùng chất tạo nạc cho lợn là do hệ thống thương lái giết mổ “tiếp tay” cho các cơ sở chăn nuôi lợn”.
“Nếu phát hiện hộ chăn nuôi, trang trại nuôi lợn dùng chất cấm, nên phạt thật nặng hoặc đóng cửa”.