Sau 5 năm dùi mài kinh sử, ngày ra trường Ph. H. Loan quyết định ở lại thành phố lập nghiệp và đích mà cô nhắm đến là một công ty dược nước ngoài có văn phòng đại diện tại Q.1- TPHCM.
Loan nói: “5 năm ăn học em đã ngốn không ít tiền. Làm TDV mỗi tháng em cũng kiếm được hơn 5 triệu, trong khi đó về quê phải lo thêm tiền xin việc, lương lại thấp”.
Huyền - sinh viên ĐH Y khoa Huế, sau khi ra trường cũng gửi hồ sơ xin việc vào TPHCM nhờ người thân nộp. Bây giờ Huyền đã là một TDV cho Cty B. của Ấn Độ đại diện tại Việt Nam. Theo Huyền, nghề trình dược có một “sức hút” mãnh liệt, nên hơn 1 nửa lớp của Huyền sau khi tốt nghiệp đã kéo nhau vào TPHCM kiếm việc.
Anh Tr. T. Sơn - một cựu sinh viên Khoa Dược TPHCM tốt nghiệp năm 1998, cho biết: Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh đã “nhảy” ngay vào Cty dược United P… làm việc. Đến nay anh đã trở thành một DSM (người quản lý khu vực) tại một tỉnh lẻ, lương vài ngàn đô mỗi tháng.
Tại TPHCM, rất đông sinh viên năm 4 của Khoa Dược cũng lao vào nghề trình dược. Bảo Trân- sinh viên năm 4 của Khoa Dược, kể: Nhờ quen một chị làm TDV ở Cty S. nên em xin vào làm bán thời gian, mỗi tháng cũng kiếm được 3 triệu đồng.
“Sinh viên khoa Dược, sáng học lý thuyết, chiều học thực hành, lấy thời gian đâu mà đi trình dược?”- Tôi hỏi. Huyền cho biết: “Em chủ yếu đi trình dược vào chiều tối, bởi em chủ yếu tập trung vào các bác sĩ làm tại phòng mạch”.
PGS - TS Đặng Văn Tịnh - Trưởng ban Đào tạo Khoa Dược- ĐH Y Dược TPHCM- cho biết: Sinh viên làm TDV “chui” (vì chưa có bằng chính thức) hiện đang là một vấn đề “đau đầu” của Khoa.
Theo thống kê, hầu hết sinh viên đi làm thêm đều ảnh hưởng đến học hành. Nhà trường đã cảnh báo, tuy nhiên, “do làm có tiền nên các em bỏ lời cảnh báo ngoài tai”.
TS Tịnh còn cho biết thêm: Ngay cả sinh viên ngành y và một số bác sĩ vừa ra trường cũng làm TDV để “khôi phục kinh tế”, sau đó mới tính chuyện ổn định lâu dài!
Lãng phí
Thống kê, khóa 2005- 2006 tại Khoa Dược - Trường ĐH Y Dược TPHCM cho thấy, trong 180 sinh viên ra trường có đến 70% trong số 80% ở lại thành phố làm TDV cho các công ty dược trong và ngoài nước.
Trong khi đó sau 5 năm đào tạo ở trường Đại học, sinh viên Khoa Dược được đào tạo là những dược sĩ đa khoa - có nghĩa là làm việc ở nhà thuốc, xí nghiệp dược phẩm, bệnh viện, nghiên cứu… chứ không đào tạo đi làm TDV.
PGS - TS Đặng Văn Tịnh, cho biết: “Sinh viên ra trường làm TDV được gọi là học một đằng đi làm một nẻo. Những dược sĩ sau 5 năm đèn sách này chẳng ứng dụng chút kiến thức nào học ở nhà trường cả. Các Cty dược chuyên phân phối thuốc chỉ việc training (đào tạo về sản phẩm) lại cho TDV, để họ đi trình dược sản phẩm đó cho bác sĩ. Chúng tôi rất đau lòng”.
"Mục tiêu đào tạo của nhà trường là xây dựng một đội ngũ dược sĩ phục vụ tại các nhà thuốc, các khoa dược của bệnh viện, các xí nghiệp dược và nghiên cứu…, chứ không đào tạo để làm trình dược viên. Việc dược sĩ ra trường đi làm TDV là một bất cập, gây lãng phí lớn."
PGS-TS Đặng Văn Tịnh-Trưởng ban Đào tạo, Khoa Dược, Trường ĐHYD TPHCM
Theo TS Tịnh, tại các khoa Dược lâm sàng ở BV, các xí nghiệp dược, nhà thuốc thiếu trầm trọng đội ngũ dược sĩ. Tuy nhiên có rất ít dược sĩ vào làm vì lương thấp, xin việc còn khó khăn.
Một số nơi đã có hướng đào tạo sinh viên dược tại địa phương để phục vụ cho các cơ sở chuyên môn của mình như Cần Thơ, Hậu Giang... Nhưng mọi việc mới chỉ trong giai đoạn khởi động.
Nhiều địa phương thiếu dược sĩ nhưng vẫn chưa có một chế độ đãi ngộ hợp lý để thu hút dược sĩ về phục vụ. Trong khi đó, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM, dược sĩ luôn được hàng trăm công ty dược trong và ngoài nước săn đón, lương cao, lại có điều kiện học thêm, tiếp cận với những kiến thức mới nhất của ngành dược..
Để khắc phục tình trạng bất hợp lý này, TS Tịnh hiến kế: Cần có chính sách đào tạo dược sĩ tại các địa phương và đưa ra các chế độ đãi ngộ hợp lý cho dược sĩ phục vụ ở địa phương mình.