Án bất thường ở Bình Chánh:

Dựng nhà xưởng không phép… bị khởi tố

TP - Thêm một người dân ở huyện Bình Chánh, TPHCM đã bị khởi tố hình sự về tội “vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” trong khi cơ sở buộc tội được cho là khá “mơ hồ”.
TAND TPHCM đã rút hồ sơ vụ bà Trần Thị Huệ để xem xét lại toàn bộ vụ án.

Đáng nói là kết luận điều tra vụ việc do đại tá Nguyễn Văn Quý - Trưởng Công an huyện Bình Chánh ký và cáo trạng do ông Lê Thanh Tòng – Phó Viện trưởng Viện KSND Q.6, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh ban hành. Cả hai ông Quý - Tòng vừa bị tạm đình chỉ công tác để chờ làm rõ, xử lý các sai phạm liên quan vụ quán “Xin Chào”.

Vi phạm vì xây nhà riêng lẻ ở nông thôn

Theo kết luận điều tra của ông Quý ký và cáo trạng do ông Tòng ban hành, bà Trần Thị Huệ, sinh năm 1958, ngụ quận 8, tạm trú huyện Bình Chánh,  có mảnh đất số 526 ở ấp 4 và mảnh đất số 509 ở ấp 3, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh. Mảnh đất số 526 rộng 663m2, được UBND huyện cấp giấy tờ tháng 11/2013 có hơn 232m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Riêng mảnh số 509 có 319m2 là đất trồng cây lâu năm, được cấp giấy tờ tháng 7/2014.

Tháng 4/2014, bà Huệ xin phép và được UBND huyện cấp phép xây dựng nhà xưởng hơn 154m2 trên mảnh đất số 526, với kết cấu: cột- sàn bê tông cốt thép, vách gạch, mái tôn… Sau đó, bà Huệ thuê ông Nguyễn Tri Hùng dựng nhà xưởng với chi phí 90 triệu đồng.

“Hành vi sai phạm của bà Huệ là có nhưng theo tôi không còn nguy hiểm cho xã hội đến mức phải đối diện với án hình sự như hiện nay”.

 Luật sư 

Nguyễn Đức Chánh

Đầu tháng 9/2014, Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM thanh tra tại huyện Bình Chánh đã lập biên bản vi phạm hành chính, buộc ngừng thi công tại nhà xưởng nói trên. Biên bản vi phạm xác định, bà Huệ dựng nhà xưởng sai kết cấu chịu lực, cụ thể là khung sườn sắt nhưng trong giấy phép là cột – sàn bê tông cốt thép, vách gạch, mái tôn và ngoài ra còn tăng diện tích xây dựng là hơn 417m2. Thanh tra đã xử phạt bà Huệ 375 ngàn đồng vì sai phạm. Bà Huệ đã nộp phạt nhưng chưa tháo dỡ phần nhà xưởng dựng lên vi phạm mà còn xây dựng, hoàn thiện công trình.

Đến tháng 10/2014, cho rằng bà Huệ có vi phạm “tổ chức thi công xây dựng mới nhà ở riêng lẻ ở nông thôn sai nội dung giấy phép” và hành vi tái phạm nên UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt 250 triệu đồng. Bà Huệ chưa đóng khoản phạt này và đang khởi kiện lại quyết định nói trên của UBND TPHCM.  TAND TPHCM thụ lý vụ án giữa tháng 8/2015 nhưng chưa đưa ra xét xử.

Ngoài ra, trung tuần tháng 10/2015, UBND xã Bình Lợi còn lập biên bản vi phạm hành chính về việc bà Huệ xây nhà xưởng tại mảnh đất số 509 là đất trồng cây lâu năm, cách mảnh đất 526 trên vài trăm mét. Được biết, nhà xưởng này có diện tích 101m2, tổng kinh phí là 20 triệu đồng, bà Huệ cũng thuê ông Hùng xây dựng. UBND xã Bình Lợi đã ra quyết định tạm đình chỉ thi công và chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT công an huyện Bình Chánh để điều tra, xử lý bà Huệ. Khi vào cuộc điều tra, cuối tháng 3/2015, công an huyện Bình Chánh đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cho tại ngoại đối với bà Huệ về hành vi “vi phạm các quy định về quản lý nhà ở”.

Kết luận điều tra và cáo trạng đều đề cập, bà Huệ từng bị thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hành chính 375 ngàn đồng vì vi phạm xây dựng sai giấy phép như đề cập.

Xem lại hồ sơ vụ án

Ngày 27/11/2015, vụ án đã được TAND huyện Bình Chánh đưa ra xét xử sơ thẩm lần 1 do thẩm phán Trần Hữu Ngôn làm chủ tọa. Phiên tòa sau đó hoãn nhằm làm rõ về vấn đề nhược điểm thể chất của bà Huệ. Kết luận điều tra bổ sung của công an huyện Bình Chánh do đại tá Quý ký giữa tháng 1/2016 có xác định, bà Huệ bị liệt hoàn toàn chân trái và giữ nguyên quan điểm truy tố bà về tội “vi phạm các quy định về quản lý nhà ở”.

Vụ án dự kiến được đưa ra xử ngày 28/4, tuy nhiên bà Huệ có liên hệ TAND huyện Bình Chánh để đề nghị hoãn phiên tòa, làm rõ các vấn đề pháp lý xung quanh cáo buộc bà phạm tội. Nguồn tin của Tiền Phong xác nhận, hồ sơ vụ án của bà đã được TAND TPHCM rút lên để kiểm tra, xem xét lại.

Tháng 9 và 10/2014, bà Huệ bị lập biên bản hành vi xây nhà trái phép. Trong khi đó, Luật Xây dựng năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2014, tại điểm k khoản 2 Điều 89 quy định nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc công trình được miễn giấy phép xây dựng. Tuy Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực vào ngày 1/1/2015, nhưng rõ ràng ở đây có sự chuyển biến, thay đổi về chính sách pháp luật mà cơ quan chức năng vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự với bà Huệ là chưa thể hiện đúng chính sách pháp luật hình sự của nhà nước ta.

Về nhận định của Viện KSND huyện Bình Chánh cho rằng, đây không phải là nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc điểm k khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 mà là nhà xưởng có tính chất kinh doanh, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn LS TPHCM cho rằng trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan này. Cũng theo ông Chánh, nếu cho rằng, vì xây dựng nhà xưởng trái phép mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm các quy định về quản lý nhà ở”, là không ổn. Theo ông điều luật này điều chỉnh quan hệ pháp luật về nhà ở và hiện cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về tội danh này nên nếu áp dụng tội danh này là chưa ổn về mặt pháp lý.