Đừng nghĩ đến việc thay đổi chồng!

Mẹ tôi từng mê bố bởi giọng ca hào sảng và tiếng guitar lãng mạn trong những đêm trăng thanh gió mát ở chốn làng quê. Nên mẹ đã đồng ý nhận cơi trầu hỏi cưới, theo bố về chung một nhà.
Ảnh minh họa

Khi ấy, mẹ mới chỉ ngoài hai mươi, chưa bao giờ tưởng tượng được chàng trai mà mình yêu thương sẽ nhanh chóng biến thành một người đàn ông suốt ngày vui thú bạn bè mà quên vợ con. Bố tôi suốt ngày ngập trong những bữa nhậu từ trưa đến chiều, từ tối đến sáng và chẳng mấy khi ăn cơm nhà.

Dù rằng bố vẫn luôn thể hiện là một người chồng biết nhớ đến vợ con, khi sau mỗi cuộc chè chén đều tỉnh táo mang về cho mẹ con tôi chút quà từ mâm nhậu như quả trứng vịt lộn hay đĩa nộm ngon. Nhưng mẹ tôi cũng như bao người phụ nữ khác, đều luôn cố gắng để kéo chồng mình ra khỏi những cuộc say sưa ấy.

Mẹ dùng đủ mọi biện pháp từ mềm dẻo cho đến cứng rắn, nhưng bố chỉ hứa sửa đổi được vài lần rồi đâu lại vào đấy. Và trong cuộc đối thoại cuối cùng giữa bố mẹ về vấn đề này, tôi nhớ, là tiếng thở dài đầy bất lực của mẹ. Mẹ đã chấp nhận chung sống với niềm vui thú rượu chè của bố trong gần 30 năm sau đó.

Tôi đã luôn thầm nghĩ rằng vì bố yêu mẹ chưa đủ nhiều nên không đủ động lực để có thể thay đổi được thói quen của ông. Nhưng tôi biết mình đã nhầm, sau khi bước vào cuộc sống hôn nhân được một khoảng thời gian đủ dài để có thể chiêm nghiệm được cái thở dài ngày nào của mẹ.

Tôi và chồng tôi từng yêu nhau như bao cặp tình nhân khác, có hẹn hò, có lãng mạn, có hoa, quà, có cả những nụ hôn ngọt ngào. Nhưng từ sau khi cưới, chồng tôi tuyệt nhiên không còn hứng thú để đóng vai một người đang yêu với tôi nữa. Chúng tôi là vợ, là chồng và ràng buộc nhau trong một mối quan hệ khô khan vô cùng.

Anh không còn quan tâm đến những ngày lễ tết hay kỷ niệm, không hề biết đến cảm xúc của người bạn đời và khiến cho tôi bao phen hụt hẫng vì đợi chờ những quan tâm từ anh. Tôi nói chuyện với anh nhiều lần, thậm chí đến mức cầu xin anh để ý đến tôi một chút mà sống.

Dù anh luôn lắng nghe, có đôi khi nỗ lực sửa mình theo yêu cầu của tôi, nhưng mỗi lần thay đổi chưa bao giờ kéo dài nổi một ngày. Nghĩa là cứ đến khoảng độ dăm bảy tiếng sau cuộc thương lượng là "mèo lại hoàn mèo", chồng tôi lại nhanh chóng rũ bỏ hình ảnh người đàn ông nhạy cảm trở về làm một ông chồng cục súc.

Sau bao phen như thế, tôi cũng chỉ còn biết thở dài, chọn cách thỏa hiệp với lối sống cứng nhắc của chồng mình, tự nhủ lòng phải biết thân biết phận để gia đình có thể yên ấm.

Dù tôi không có ý chụp mũ lên tất cả những cặp đôi khác từ câu chuyện của mình và của mẹ, nhưng thiết nghĩ rằng đừng nên hi vọng vào việc dùng tình yêu hay tình nghĩa để cảm hóa người đàn ông bên cạnh. Bởi bạn không có thể thay đổi ai ngoài chính bản thân mình, nên hãy tự thay đổi mình theo cách mà bạn mong muốn nhận được từ đối phương.

Như cái cách mà mẹ tôi đã khơi gợi bố trong việc chăm sóc nhà cửa, con cái để lựa bớt chút thời gian ngồi mâm này mâm kia của bố. Như cách tôi đã luôn cố gắng để quan tâm đến cảm xúc của chồng, thỉnh thoảng mua tặng anh đôi ba món quà nhân dịp đặc biệt, hay vài ba lúc lại điểm tô căn nhà bằng những lọ hoa tươi mua vội trên đường tan sở.

Tất nhiên, bố tôi hay chồng tôi không vì vậy mà thay đổi hoàn toàn, nhưng dần dần cũng hiểu ra những việc mà vợ mình đang làm, nên đã có vài sự lưu tâm cho những thay đổi nho nhỏ sau đó. Và tôi, mẹ tôi đều chấp nhận kết quả này như một sự thỏa hiệp để cuộc sống gia đình luôn vẹn toàn.

Theo Theo Dân trí