Chị Y H’lạng (ở thôn Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) là người phụ nữ đầu tiên “thuần hóa” được sâm dây rừng – một dược liệu quý ở núi Ngọc Linh (còn gọi là hồng đẳng sâm). Theo chị YH’lạng, trước đây người trong làng vẫn thỉnh thoảng lên rừng nhổ sâm dây về nấu canh, củ có màu trắng, vị ngọt như củ cải. Đến khi thương lái vào thu mua, giá cao gấp nhiều lần trồng mì, lúa… thì bà con mới biết giá trị của sâm và ồ ạt săn lùng khiến cây này trở nên khan hiếm.
Nghĩ “cây mọc trên rừng lấy nhiều cũng hết”, chị lên rừng đào củ, hái hạt về trồng thử trong vườn. Chưa đầy 1 năm, củ sâm đã to bằng ngón tay cái. Năm 2010, chị đưa vào trồng đại trà trên rẫy, đến nay chị đã trồng được hơn 1 ha xen canh với ngô, đậu. Đến mùa lạnh, cây tự rụng lá, năm sau lại tiếp tục sinh sôi. Việc thu hoạch giống như cây khoai lang nhưng đòi hỏi tỉ mỉ, tránh hư hỏng củ sâm làm giảm giá trị.
Chị YH’lạng cho biết: “Trồng sâm dây không khó lắm, chỉ cần ươm củ xuống đất một thời gian là nảy mầm, chưa đầy 1 năm đã ra trái, những quả khô rơi xuống đất lại mọc thành cây. So với nhiều cây trồng khác, sâm dây bán được giá hơn. Hiện trong thôn đã có hơn 80% người dân trồng được sâm dây”.
Sâm dây phơi khô
Theo kinh nghiệm, chị trồng khoảng 3 năm mới thu hoạch vì lúc này củ to, bán được giá cao. Trung bình mỗi kg tươi có giá 70-100 nghìn đồng, nếu phơi khô giá từ 300-500 nghìn đồng. Mỗi sào có thể thu từ 2-3 tạ và có thể khai thác quanh năm. Ngoài sâm dây, gia đình chị còn trồng thêm cà phê, bời lời, lúa… mỗi năm tổng thu nhập không dưới 300 triệu đồng. Không những xây nhà to, đẹp, chị còn nuôi 2 con học đại học và trường nội trú ở thành phố Kon Tum khiến dân làng ngưỡng mộ.
Ông A Tôn – Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết, chị H’Lạng là điển hình làm kinh tế giỏi của xã, nhiều hộ dân ở đây cũng học tập mô hình trồng sâm dây với hy vọng thoát nghèo, phát triển kinh tế.