Đưa hàng Việt vào khu công nghiệp, hướng đi mới của doanh nghiệp Việt

TP - Tổ chức vào cuối tháng 10, phiên chợ đặc biệt lần thứ hai hướng tới hàng ngàn công nhân lao động ở Khu Công nghiệp (KCN) Bắc Chu Lai (Quảng Nam) đã tạo tiền đề về một hướng phát triển mới của doanh nghiệp Việt Nam thời hội nhập.

Cần có nhiều phiên chợ hàng Việt tổ chức tại các khu công nghiệp sẽ giúp công nhân chọn được sản phẩm vừa túi tiền.

Khác hẳn với bao cuộc triển lãm thường thấy, phiên chợ này chỉ trưng bày toàn những sản phẩm hàng Việt dân dụng, chất lượng, đa dạng, nhưng phù hợp với công nhân thu nhập thấp.

Hợp túi tiền

Vào một ngày cuối tháng 10, trời chập choạng tối, con đường vào KCN Bắc Chu Lai đông nghịt dòng người đến xem các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao. 19 giờ, thời điểm tan ca của công nhân (CN0 ở một số nhà máy trong KCN nên dường như ai nấy đều tranh thủ ghé mua hàng. Đây là phiên chợ đêm lần đầu tiên “họp” ngay trên đường vào trung tâm của KCN Bắc Chu Lai, do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (Bộ Công thương), phối hợp cùng Trung tâm xúc tiến thương mại Đà Nẵng và Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai tổ chức.

Lâu nay, CN ở các nhà máy, xí nghiệp luôn là đối tượng khách hàng truyền thống của hàng Việt, nhưng “quyền lựa chọn” mua sản phẩm, hàng hóa của họ bị hạn chế bởi thiếu thông tin. Thêm vào đó, không gian làm việc của họ thường lại xa các trung tâm mua sắm. Do vậy, phiên chợ này giúp CN, người dân có một “cái nhìn mới” về hàng Việt Nam chất lượng cao.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Trang là CN của Cty CP gạch men Anh Em- Dic (Quảng Nam) phấn khởi: “Một phiên chợ được triển lãm như thế này rất bổ ích với CN tụi em. Đồng lương CN thấp, nên hàng Việt bao giờ cũng là ưu tiên số 1 với tụi em”. Tâm lý chung của CN là chuộng những sản phẩm bắt mắt về hình thức nhưng không cầu kỳ, hàng rẻ hợp với túi tiền và bắt buộc trên mỗi bao bì sản phẩm phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Thông qua phiên chợ này, Ban tổ chức trao tặng 10 suất quà hàng Việt cho những CN lao động có hoàn cảnh khó khăn trong các công ty ở KCN. Chương trình “Hãy chọn giá đúng” thu hút đông đảo CN và người dân tham gia. Nhận phần quà trị giá hàng trăm nghìn đồng, chị Nguyễn Thị Bích, 45 tuổi, công nhân Công ty LD Dacotex Hải Âu Xanh vui vẻ nói: “Món quà này rất thiết thực với chị. Trước đây, các đồ dùng trong nhà chị thường ưa chuộng hàng ngoại hơn, nhưng sau chị thấy, nhiều hàng ngoại dù đắt tiền nhưng vẫn kém chất lượng. Bây giờ, chị ủng hộ tối đa hàng Việt mình”.

Hướng đi mới cho doanh nghiệp Việt Nam

Ghi nhận của PV, các sản phẩm hàng Việt phục vụ trong sinh hoạt gia đình, dân sinh… lấn áp hàng ngoại, bởi giá thành thường rẻ gấp nhiều lần so với các sản phẩm xuất xứ từ nước ngoài. Cty CP hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo bán các sản phẩm nước rửa chén, nước giặt, nước lau kính, xả vải Siusop… đêm đầu tiên “ra quân” nườm nượp khách hàng ghé mua.

Anh bán hàng nhễ nhãi mồ hôi cho biết: Các sản phẩm bán tại KCN có tặng quà khuyến mãi nên CN mua ồ ạt. Loại chai nước giặt “cháy hàng” rồi. Sở dĩ phiên chợ hấp dẫn CN, bởi hầu hết các sản phẩm đều có chương trình bốc thăm khuyến mãi, giảm giá từ 10-20%, thậm chí có một số sản phẩm giảm giá đến 50%. Chẳng hạn như hàng giày, dép của Cty TNHH Giầy BQ; nước mắm của Cty TNHH thực phẩm Minh Anh, khách hàng mua 1 được tặng 1…

 

Hàng hóa, sản phẩm không đa dạng, phong phú, đắt tiền như các trung tâm mua sắm, hội chợ triển lãm… nhưng phiên chợ CN thực sự là nơi “tôn vinh” hàng Việt, đồng thời cũng là dịp để các Cty, nhà sản xuất Việt Nam bày tỏ “tri ân” với khách hàng đã tin cậy tiêu dùng sản phẩm.

Ông Hứa Tự Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin - xúc tiến thương mại TP.Đà Nẵng cho biết: “Đây là phiên chợ thứ 2 được trung tâm tổ chức tại Quảng Nam (trước đã triển khai ở KCN Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam). Thông qua hình thức này, chúng tôi muốn giới thiệu thêm một số dòng sản phẩm mới do người Việt sản xuất, gửi đến người tiêu dùng thông điệp nhiều mặt hàng Việt chất lượng không kém hàng ngoại; đồng thời buộc các doanh nghiệp cam kết với người tiêu dùng, bằng chất lượng sản phẩm”.

Theo ông Anh, phiên chợ CN không chỉ để cụ thể hóa phong trào “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” do Bộ Chính trị phát động, mà còn mang một ý nghĩa nhân văn, hàng Việt sẽ luôn đồng hành với người nghèo, với CN ở các KCN có thu nhập khác, tạo tiền đề về một hướng đi mới cho các doanh nghiệp trong thời hội nhập kinh tế quốc tế.

21 giờ 30, phiên chợ vẫn chưa tan. Nhiều tốp CN kết thức ca làm việc rời nhà máy không trở về nhà ngay mà rủ rê đến họp “chợ”. Bên lô hàng điện tử, hàng chục CN vây quanh, ngắm ngía các kiểu dáng tivi, dàn âm thanh… rồi dành micro hát như… chưa bao giờ được hát. Đêm ở KCN Bắc Chu Lai rộn rã tiếng cười.

Ông Thiều Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm thông tin – xúc tiến thương mại Quảng Nam nói: “Ở khu vực đông dân cư, miền núi nghèo, người dân ít có điều kiện nắm bắt thông tin về hàng hóa, sản phẩm tối ưu do người Việt sản xuất. Do vậy, thời gian đến, chúng tôi sẽ tổ chức phiên chợ như kiểu này nhằm phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số”.

Theo Báo giấy