Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020)

Đưa con tàu kinh tế vươn ra biển lớn

TP - Hơn 30 năm sau đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giải quyết hàng loạt thách thức đặt ra chính là chìa khóa để Việt Nam tạo đà, tiếp tục đưa con tàu kinh tế vươn ra biển lớn.
Việc ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế ổn định và chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nước (trong ảnh cảng Đình Vũ, Hải Phòng) Ảnh: Hồng Vĩnh

Điểm sáng khu vực

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để đạt được những thành tựu quan trọng, trước hết là sự thay đổi trong tư duy, từ bị động, thụ động, từ việc nhìn nhận hạn hẹp chúng ta đã có một cái nhìn tổng thể về hội nhập và phát triển kinh tế một cách cởi mở hơn, năng động hơn. Đặc biệt là nhận thức về mô hình kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa toàn diện hơn.

Với mục tiêu định hướng Xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn thống nhất quan điểm tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Do đó, các vấn đề về an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi cho mọi người đều phát triển khá đồng bộ và ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, Việt Nam có môi trường thương mại tự do với nhiều nước trên thế giới.

Khi tham dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 tại Hà Nội với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và các đối tác phát triển tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những chia sẻ đầy lạc quan về nền kinh tế, về một Việt Nam không ngừng mơ ước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao và đó là cơ sở để tỷ lệ đói nghèo từ mức rất cao, trên 53% năm 1992 (mức 1,9 USD/ngày tính theo sức mua tương đương năm 2011), giảm 10 lần, chỉ còn 5,23% năm 2018 theo chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời, tầng lớp trung lưu tăng lên, chiếm hơn 15% dân số và đang tăng rất nhanh. Xét về quy mô dân số, có thể nói rằng đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử các nước.

Triển vọng mới

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 đạt 7,02%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã đưa ra những đánh giá hết sức tích cực về triển vọng của kinh tế Việt Nam thời gian tới. Trái ngược với xu hướng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á, ADB đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% lên 6,8% cho năm 2020.

Sau 13 năm gia nhập WTO (kể từ năm 2006), nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Việc mở cửa nền kinh tế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần không nhỏ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng năm của nền kinh tế Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Trong số đó, 12 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Môi trường pháp lý, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý trong nước được cải cách theo hướng ngày càng phù hợp với các cam kết tiêu chuẩn cao trong các FTA và ngày càng minh bạch hơn, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước ngày càng thông thoáng hơn, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế cao của khu vực và thế giới... 

Sau 13 năm gia nhập WTO, có thể thấy Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù có tên trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chưa phát triển theo đúng kỳ vọng.

Để tiếp tục phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần những cải cách đột phá, đổi mới bộ máy hành chính nhà nước; tái cơ cấu các doanh nghiệp, các dịch vụ cơ sở hạ tầng theo hướng tập trung những dịch vụ có tiềm năng, lợi thế và phát triển logistics xanh. Đặc biệt, nâng mức đầu tư cho khoa học công nghệ để Việt Nam sớm có những đột phá về khoa học công nghệ, tạo ra những mặt hàng, những sản phẩm kỹ thuật cao mang lại giá trị cao trong xuất khẩu.


Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, khi tăng trưởng vững vàng trong năm qua dù kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn, nhất là căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.