Dự thảo Luật KH&CN (sửa đổi): Nhiều nội dung gỡ nút thắt

TP - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật KH&CN (sửa đổi) nhằm giải quyết căn bản các nút thắt về thể chế, chính sách KH&CN hiện nay với nhiều nội dung đột phá.

Bổ sung nguyên tắc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu

Trong tờ trình Chính phủ, Bộ KH&CN cho biết, một trong những nội dung lớn sẽ sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật là việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính trong xét duyệt, quản lý nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý các chương trình KH&CN, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp quốc gia.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Phenikaa.

Dự thảo Luật cũng bổ sung nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để phù hợp với đặc thù ngành là hoạt động sáng tạo. Trong đó quy định tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không phải hoàn trả ngân sách nhà nước kinh phí đã sử dụng đúng quy định nếu tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm đề tài thực hiện đầy đủ các nội dung theo thuyết minh nghiên cứu và theo quy trình nghiên cứu mà không đi đến kết quả cuối cùng, không phân biệt đến từ khu vực công hay khu vực tư nhân.

Dự thảo Luật bổ sung các chương trình thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo như hoạt động ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Thúc đẩy thành lập doanh nghiệp khởi nguồn (Spin-off) từ sáng chế, công nghệ.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về đạo đức nghiên cứu, trách nhiệm của các tổ chức nghiên cứu và phát triển trong ban hành và thực thi các quy định về đạo đức nghiên cứu, nhất là các nghiên cứu có ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người, đồng thời hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục rút gọn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong tình thế cấp thiết, đột xuất, khẩn cấp.

Trước những rào cản về thương mại hoá kết quả nghiên cứu KH&CN những năm qua, Dự thảo Luật sẽ hình thành các chương trình hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo chuỗi, bắt đầu từ hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học sau khi kết thúc nhiệm vụ nghiên cứu chuyển sang giai đoạn chuẩn bị thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; hỗ trợ tiền khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác với các doanh nghiệp lớn.

Luật cũng bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm chính sách để tạo hành lang pháp lý thử nghiệm các công nghệ mới mà pháp luật chưa có quy định hoặc cấp thử nghiệm. Quy định này nhằm phù hợp với thực tế KH&CN trong nước và thế giới đang phát triển quá nhanh, nhất là trong khoảng 5 năm gần đây, đặc biệt là các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud computing), công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ thực tại ảo (Virtual reality)...

Đẩy mạnh thu hút nhân tài KH&CN

Khẳng định nhiệm vụ thu hút và trọng dụng nhân tài là trọng tâm của ngành KH&CN, Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi nhân lực, các chính sách ưu đãi đối với từng loại nhân lực. Tăng cường liên kết, trao đổi kinh nghiệm giữa nhân lực trong viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Luật cũng đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ ở Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên như công nghệ nền, công nghệ lõi hay công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Dự thảo Luật xây dựng chính sách lưu chuyển nhân lực trình độ cao từ các viện nghiên cứu, trường đại học sang doanh nghiệp; các chương trình thực tập đối với sinh viên năm cuối, đề tài nghiên cứu sinh và học viên cao học để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản trị công nghệ trong doanh nghiệp. Quy định doanh nghiệp được cử nhân lực sang làm việc ở viện nghiên cứu, trường đại học để giới thiệu về kết quả nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện kết quả nghiên cứu và tìm hiểu nhu cầu công.

Dự luật lần này cũng bổ sung các mục chi như chi học bổng nghiên cứu cho nghiên cứu sau tiến sĩ, kinh phí cho nghiên cứu sinh, học viên cao học tham gia đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, sẽ cập nhật các đối tượng, bổ sung các cơ chế chính sách để huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng KH&CN và đổi mới sáng tạo, đồng thời đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN, đặc biệt là các phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất cho các tổ chức KH&CN công lập.

Về nút thắt cơ chế thanh quyết toán cho các đề tài nghiên cứu, Dự thảo Luật hoàn thiện quy định về xây dựng kế hoạch, xây dựng dự toán và quản lý việc sử dụng ngân sách nhà nước cho KH&CN và đổi mới sáng tạo để thuận tiện trong triển khai, phù hợp với tiến độ cấp kinh phí, đồng thời sửa đổi quy định về khoán chi trong hoạt động nghiên cứu và phát triển.