Dư luận bất bình, VFF vẫn không ai từ chức

Việc các quan chức VFF cất công đi hỏi vài đại diện đội bóng, ai đã đồng lòng với ý tưởng lập Super Liga. Sau đó, VFF công bố, các đội bóng không đồng lòng với ý kiến bầu Kiên. Thêm vào đó, họ “dũng cảm” tuyên bố hai chữ “thành công” cho mùa giải 2011.
Ông Khôi sẽ không từ chức dù bị phản ứng

Cách phản biện thiếu tính fair-play này càng khiến sự bất bình của các đội bóng dâng cao hơn. Ai cũng rõ vài đại diện đội bóng dự cuộc họp thường vụ đều là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến VFF. Vì vậy chẳng ai dại nhận mình đồng lòng với ý kiến chê trách VFF là điều đương nhiên. Ông Võ Quốc Thắng, ông Đoàn Nguyên Đức, ông Hoàng Mạnh Trường… những ông bầu có quyền sinh sát thật sự ở một đội bóng đã đăng đàn để ủng hộ bầu Kiên.

Thật ra sự bất bình này đã bắt đầu từ năm năm trước, trong một cuộc gặp mặt giữa một nhóm đội bóng doanh nghiệp thật sự. Họ bàn về chuyện tự ra những quy chế cho riêng mình, như không dùng các cầu thủ đang bị kỷ luật của câu lạc bộ khác, khống chế giá trần trong việc chuyển nhượng, không biếu xén trọng tài, quan chức VFF… Thế nhưng, cuộc họp ngày ấy đã tan đàn vào phút chót vì một ông bầu phía Bắc đã nói thẳng, khi chỉ một nhóm chơi với nhau thế này, khi mà VFF ngó lơ cho những câu lạc bộ còn lại muốn làm gì thì làm, thì hoá ra chúng ta chỉ làm trò cười à?

Sự kiện cùng nhau làm bóng đá sạch không thành cũng đánh dấu luôn sự đi xuống của hàng loạt đội bóng. Quá nản, bầu Đức chọn cách để Hoàng Anh Gia Lai chơi cầm chừng chờ ngày lứa cầu thủ học viện Arsenal của ông “chín”. Bầu Thắng cũng chẳng thiết tha gì đầu tư thêm cho Gạch, Đồng Tâm Long An sau nhiều mùa thoi thóp đã đi thẳng xuống hạng nhất. Đội bóng của bầu Kiên, người cương quyết: “Một đồng cho trọng tài tôi cũng không” cũng rớt hạng. Bầu Trường sa thải giám đốc điều hành Trần Tiến Đại khi phát hiện ra “anh Đại đang làm hỏng cả bóng đá Việt Nam vì đi ngang về tắt”. Thê thảm hơn, bầu Long quá ức đến sức khoẻ suy sụp, Hoà Phát Hà Nội giải tán đội bóng mang tên mình.

Giờ thì các đội bóng, người hâm mộ đòi hỏi phải có sự thay đổi.

Nhưng ai thay, và thay ai? Ông Dương Nghiệp Khôi đã nói thẳng: “Công việc của tôi là do VFF phân công. Nếu có ai làm tốt hơn thì tôi rút thôi, VFF phân công việc khác tôi sẽ đồng ý ngay”. Nói vậy nghĩa là chuyện ông Dương Nghiệp Khôi từ chức chắc chắn sẽ không diễn ra. Nếu như nhớ lại việc tái xuất hiện ở cương vị trưởng giải mùa bóng này của ông Khôi, người ta sẽ nhớ ra rằng ở mùa 2008, khi xảy ra sự cố để chết người ở trận đấu giữa Hải Phòng và Sông Lam Nghệ An, ông Khôi đã cương quyết không từ chức. Cho đến khi bị lãnh đạo tổng cục Thể dục thể thao yêu cầu, ông mới rời ghế kia mà.

Kỳ thật thời điểm này chưa ai thay thế được ông Khôi, bởi bộ đôi Trần Quốc Tuấn – Dương Nghiệp Khôi chưa từng chia sẻ quyền lực và tìm người thay thế, họ chỉ hoán chuyển vị trí khi gặp khó khăn nhưng về thực chất, mọi chuyện vẫn như cũ.

Nhưng, ở thời điểm ông Dương Nghiệp Khôi chỉ là giám sát trận đấu hà cớ gì VFF vẫn có thể điều hành giải, còn sau khi ông Khôi, ông Tuấn nhậm chức thì sau họ chẳng còn một ai có thể làm được việc này, phải chăng các quan chức không muốn mất đi “quyền lực tuyệt đối” của mình?

Bầu Kiên với tư cách cổ đông chính của Eximbank đã đề nghị ông Lê Hùng Dũng xem lại, nếu VFF không cải tổ thì ngưng tài trợ. Nhưng suy cho cùng, giữa việc mất 30 tỉ đồng một năm để rồi phải tìm nguồn khác và mất hẳn chức tước thì khó có chuyện ông Dương Nghiệp Khôi, ông Trần Quốc Tuấn sẽ đột ngột từ chức. Những động thái gần đây nhất cho thấy, chủ tịch hội đồng trọng tài Nguyễn Văn Mùi sẽ phải ra đi để dẹp yên dư luận.

Thế nên, cứ tin chắc đi, chuyện bầu Kiên phản ứng, người hâm mộ bất bình sẽ chẳng thể thay đổi điều gì. Ở Việt Nam làm gì đã quen với văn hoá từ chức, VFF càng không quen. Thật đấy.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Tổng hợp