TPO - Những vườn cam ở vùng núi xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đang vào mùa thu hoạch. Sản lượng lớn cùng với giá bán tăng cao 45.000 - 50.000 đồng/kg giúp nông dân có thu nhập tiền tỷ.
Cận cảnh những vườn cam đặc sản vào vụ thu hoạch. Video: Phạm Trường.
Xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc có trên 200 ha trồng cam chanh và cam giòn, trong đó cam giòn chiếm diện tích hơn 50%. Hiện toàn xã có khoảng 500 hộ trồng cam, tập trung chủ yếu ở thôn Anh Hùng, Thanh Mỹ, Nam phong, Sơn Bình…
Thời điểm này, các giống cam tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc đã bắt đầu chín. Người dân địa phương cho biết, năm nay cam đạt năng suất cao hơn năm trước, cùng với đó, giá bán ở mức cao khiến nông dân rất phấn khởi, kỳ vọng một mùa thu hoạch bội thu.
Trang trại trồng cam của gia đình bà Dương Thị Mai (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc) rộng hơn 4 ha với 2.000 gốc cam chanh, cam giòn các loại. “Năm nay cả vườn cam đạt khoảng 40 tấn. Mới đầu vụ nhưng thương lái đã tới tận vườn mua cam chanh với giá 30.000 đồng/kg, cam giòn 45.000 - 50.000 đồng/kg. Dự kiến năm nay doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng”, bà Mai chia sẻ.
Với mức giá thu mua cùng sản lượng ở mức cao, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Thượng Lộc đang có thu nhập cao. Nhiều diện tích đất đồi cũng được người dân chuyển đổi trồng cam.
Sở hữu đồi cam đẹp nhất nhì xã Thượng Lộc, thời điểm này gia đình bà Phan Thị Hiền (54 tuổi, trú thôn Anh Hùng) đang đón nhiều thương lái vào mua hàng. Với gần 2.000 gốc cam giòn và cam chanh, mỗi vụ, vườn cam này cho sản lượng 40-50 tấn cam xuất ra thị trường.
Trồng cam theo hướng VietGAP và được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh từ năm 2019, sản phẩm cam chanh và cam giòn của bà Hiền đã khẳng định được thương hiệu. Mỗi năm 2/3 sản lượng được xuất vào hệ thống siêu thị khắp các tỉnh thành.
Chủ vườn cho biết vòng đời cây cam từ 18-25 năm là phải trồng lại do cây yếu dần. Tuy nhiên, với kỹ thuật chăm sóc phù hợp, gia đình đã sở hữu hàng chục gốc cam “cổ thụ” gần 20 năm tuổi. Hàng năm, mỗi cây cam cổ thụ cho thu hoạch 2-4 tạ cam với vị thơm, ngọt đặc trưng.
Các gốc cam cổ thụ vẫn cho quả sai trĩu, vàng mọng.
“Vườn có gia đình có hàng chục gốc cam gần 20 năm tuổi và có 2 gốc cam được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh gắn biển hiệu cây cam chanh đầu dòng. Ngoài việc thu hoạch quả, gia đình còn lấy mắt ghép để bảo tồn giống cây”, bà Phan Thị Hiền, cho hay.
Những cây cam chanh gần 20 năm tuổi với gốc to lớn, thân cành phủ đầy rêu phong, được công nhận là cây đầu dòng. Người trồng sử dụng các phương pháp chăm sóc và ép cây ra quả.
Cây cam được đánh giá là loài cây “khó tính”, để đảm bảo độ sạch, chủ vườn áp dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, dùng miếng dính sâu bọ.
Cây cam được đánh giá là loài cây “khó tính”, để đảm bảo độ sạch, chủ vườn áp dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, dùng miếng dính sâu bọ.
Cây cam được đánh giá là loài cây “khó tính”, để đảm bảo độ sạch, chủ vườn áp dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, dùng miếng dính sâu bọ.
Lãnh đạo UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Cam được trồng chủ yếu ở các thôn Anh Hùng, Sơn Bình, Nam Phong, Đông Phong… Năm nay sản lượng cam toàn xã đạt hơn 1.800 tấn, cho giá trị kinh tế hàng chục tỷ đồng. Cây cam vì thế trở thành cây trồng giúp người dân địa phương thoát nghèo, mang lại thu nhập khá.