Ưu tiên phát triển du lịch theo hướng sinh thái
Tại các huyện trong tỉnh cũng đã lan tỏa và phát triển nhiều mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp khai thác các giá trị văn hóa bản địa, đồng thời gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương như: Nhà hàng Ẩm thực sinh thái Lộc Vừng Đỏ, nhà hàng Ẩm thực sinh thái Nét Quê, farmstay Việt Mekong, farmstay Ao Nhà, homestay - nhà hàng Vườn Xanh, homestay Tư Cá Linh, trang trại dưa lê ECOFAM, trang trại nông sản Đồng Tháp AQUA PONIC... đã thu hút nhiều du khách gần xa đến trải nghiệm.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp bên cạnh khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia làm du lịch cộng đồng; cũng đồng thời xây dựng chiến lược phát triển loại hình này.
Về cơ chế chính sách, tỉnh ưu tiên phát triển du lịch theo hướng sinh thái, nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề; tiếp tục vận dụng hiệu quả Nghị quyết 210 của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp cũng đang tập trung triển khai chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn; gắn chặt du lịch nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng và khai thác các giá trị văn hóa bản địa, làng nghề truyền thống, tại các nhà hàng sinh thái bán các món ẩm thực đặc trưng của miền sông nước, đặc sản địa phương, quà lưu niệm,… nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, tạo nguồn ngân sách cho nhà nước, công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, ngoài tăng cường quảng bá xúc tiến và kêu gọi đầu tư, đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có năng lực, địa phương sẽ đầu tư phát triển các công trình dịch vụ du lịch, khu vui chơi giải trí, hệ thống nhà hàng sinh thái phù hợp tại những khu di tích, điểm tham quan du lịch trọng điểm. Tỉnh phát triển hệ thống trạm dừng chân, hệ thống quầy hàng đặc sản, quà lưu niệm trên các tuyến du lịch. Cùng với đó là phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với đặc điểm và thế mạnh nội tại từng nơi...
Không để người làm nông nghiệp sinh thái đơn độc
Mô hình nông nghiệp “3 trong 1”, nuôi trồng các loại thủy sản và mở các dịch vụ theo hướng sinh thái đang được triển khai và áp dụng thành công ở TP. Cao Lãnh.
Chủ khu nhà hàng Ẩm thực sinh thái Nét Quê chia sẻ: Diện tích đất thổ cư của gia đình cạnh khu đất sản xuất lúa, việc làm nông nghiệp trồng lúa không mang laị giá trị kinh tế vì đất nhiễm mặn nên gia đình đổi hướng làm nhà hàng sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản để phục vụ khách du lịch. Nhà hàng , xây dựng các hoạt động trải nghiệm như tham quan, tìm hiểu về quy trình sản xuất nông nghiệp; du khách được tự tay thu hoạch trái cây, rau củ, câu cá…
Tương tự, anh Định chủ Nhà hàng Ẩm thực sinh thái Lộc Vừng Đỏ cũng tận dụng những thửa ruộng chiêm trũng, ngập lụt, nhiễm mặn mang lại hiệu quả trồng lúa thấp để nuôi trồng hải sản và dựng các lều tạm phục vụ khách du lịch trải nghiệm văn hoá miền sông nước.
Anh Định chia sẻ: Nhà hàng, tập trung khai thác tính khác biệt, sáng tạo, có dấu ấn riêng về cảnh quan sinh thái để tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của thị trường. Triển khai thêm nhiều dịch vụ thu hút du khách trong 4 mùa, tránh tình trạng du lịch “ngủ đông”. Chúng tôi mong muốn tập hợp thêm các hộ dân xung quanh nhằm xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất cũng như hình thành một cộng đồng du lịch địa phương.
Nhiều du khách rất ưa chuộng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn bởi chi phí phù hợp lại được hòa mình vào không gian trong lành, bình yên. Càng vui hơn khi những hoạt động này giúp nâng cao thu nhập cho lao động địa phương. Đây chính là con đường mới, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp xanh hiện nay.
Khu du lịch nhà hàng sinh thái Ven Sông Tiền ghi dấu với cảnh sắc nên thơ vùng ven sông nước đang được anh Long mạnh dạn đầu tư mô hình câu cá giải trí và giới thiệu sản phẩm du lịch miền Đồng Tháp để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, với điều địa lý xa, tại TP Cao Lãnh, việc phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, đang làm cho chủ nhà hàng trăn trở.
“Chúng tôi đang tích cực xây dựng, phát triển dạng mô hình nông trại, khu lưu trú; đầu tư du lịch trải nghiệm sinh tồn giữa thiên nhiên với đối tượng phục vụ chủ yếu là giới trẻ. Nhưng để khu du lịch sinh thái hài hoà với thiên nhiên, bảo vệ môi trường cần có sự đồng hành của chính quyền địa phương. Bởi phần lớn những khu đất xen kẹt, đất trồng lúa, cây lâu năm bỏ hoang vì không hiệu quả nhưng nếu làm du lịch sinh thái sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, tạo công ăn việc làm cho con em địa phương”, - anh Long nói.
Theo những chủ nhà hàng sinh thái ở Đồng Tháp, họ mong muốn địa phương sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, hỗ trợ đào tạo để cả cộng đồng cùng làm du lịch; cần chiến lược quảng bá hình ảnh mạnh mẽ hơn để thu hút du khách. Đặc biệt, cần quan tâm đầu tư kết nối giữa các khu, điểm du lịch, danh thắng của tỉnh với các vùng trọng điểm du lịch cả trong và ngoài tỉnh... với những khu đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thuỷ sản… đủ điều kiện có thể hỗ trợ người dân thuê, chuyển đổi một phần đất thành đất thương mại, dịch vụ để có thể xây dựng những công trình kiên cố như nhà bếp, khu chế biến, nhà vệ sinh để đảm bảo môi sinh, môi trường, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa bản địa.
Với tiềm năng sẵn có, sự hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh và sự nỗ lực của các tỉnh, thành lân cận, TP Cao Lãnh nói riêng, Đồng Tháp nói chung quyết tâm khai thác hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch. Qua đó, phát triển thị trường tiềm năng khách nội địa và quốc tế, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần thay đổi diện mạo, hình ảnh địa phương, cải thiện đời sống nhân dân, tạo sự lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của vùng đất Sen hồng.