Đồng Tháp kêu gọi ngăn chặn tôm càng đỏ

TPO - Sở Nông nghiệp Đồng Tháp yêu cầu các cơ quan l, ban ngành khi phát hiện tôm càng đỏ có dấu hiệu phát tán ra môi trường, cần nhanh chóng phối hợp thực hiện các biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt...

Ngày 27/5, Sở NN&PTNT Đồng Tháp có công văn về việc tăng cường kiểm soát và ngăn chặn tôm càng đỏ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến tác hại của tôm càng đỏ đến môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát tán ra môi trường tự nhiên.

Kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi nuôi, mua bán, vận chuyển, tàng trữ tôm càng đỏ. Khi phát hiện có dấu hiệu phát tán ra môi trường, cần nhanh chóng phối hợp, kết hợp thực hiện các biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt theo quy định.

Thông tin với PV Tiền Phong, ông Võ Thành Ngoan – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào nuôi, mua bán, vận chuyển hay tàng trữ loài tôm ngoại lai xâm hại này.

Trước đó, ngày 17/5, Bộ NN&PTNT đã có công văn số 3438/BNN-TCTS chỉ đạo về việc tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ tại Việt Nam.

Tôm càng đỏ còn gọi là tôm hùm đất, có tên khoa học là Cherax quadricanatus, là loài thủy sản ngoại lai xâm hại bởi tập tính ăn tạp (kể cả lúa, cây cỏ và các loài thủy sản nhỏ), sống bò dưới tầng đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao, vòng đời ngắn và sinh sản rất nhanh.

Theo quy định, tôm càng đỏ không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (Nghị định 26/2019-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản) và được xác định là loài ngoại xâm hại (Thông tư 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ TN&MT quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại).

Vì vậy, việc nuôi, kinh doanh tôm càng đỏ là hành vi vi phạm quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.