Đồng phục cả bìa bọc sách: Triệt tiêu sáng tạo học trò?

Không phải phổ biến nhưng tại nhiều trường, không chỉ quần áo, cặp sách mà đến bao bìa bọc sách, loại mực, bút, tẩy... cũng đồng phục. Đồng phục có thể lợi cho giáo viên nhưng gây khó dễ cho phụ huynh và đặc biệt, có thể triệt tiêu cá tính, sự sáng tạo của học trò.
Đồng phục giúp học sinh nền nếp, chỉn chu hơn (Ảnh minh họa)

Đẹp mắt, tiện lợi

Có hai con đều đang đi học, chị Trần Thanh Tr., nhà ở Thủ Đức, TPHCM đồng tình với việc đồng phục học sinh trong quần áo, đồ dùng học tập để tạo sự quy củ, không lộn xộn, nhốn nháo. Nhất là ở tiểu học, sĩ số đông, vở cần đồng phục để HS dễ nhận biết, giáo viên thuận tiện trong việc hướng dẫn HS. Với học sinh lớp 1, các em đang tập làm quen thì càng cần đồng phục để giáo viên dễ bề quản lý.

Thế nhưng, chị Trang cũng nhấn mạnh, đồng phục là để thuận lợi, chỉn chu chứ không phải để làm khó cho phụ huynh. Đồng phục nên là các loại dễ tìm, dễ mua ngoài thị trường, nhà trường không cần bắt buộc phải mua trong nhà trường.

"Giáo viên hướng dẫn, phụ huynh cùng với con tự đi mua sắm, vì đây cũng là cách giúp các thấy hứng thú với việc học. Còn nếu nhà trường bán thì đừng "ăn dày" quá!", chị Tr. nói. Trên thực tế, nhiều thứ "qua tay" nhà trường như quần áo, cặp sách, đồ dùng học tập... đều có giá "chát" hơn thị trường rất nhiều.

Chị Vũ Quỳnh Giang, có con học tiểu học tại Q.1, TPHCM cho biết, quan điểm của chị, HS nên đồng phục quần áo, giày dép đồng phục. Không chỉ tạo hình ảnh đẹp trong môi trường học đường mà hơn hết tạo sự cân bằng trong học trò. Những em gia đình khá giả cũng sẽ không quần này áo nọ quá phô trương, mà những học sinh vì khó khăn cũng không ăn mặc tềnh tàng...

Còn đối với đồ dùng học tập, theo chị Giang, có thể đồng phục với những thứ thật sự thật sự thuận tiện như vở cùng loại ô ly, ghế cùng loại để xếp chồng được lên nhau, còn nếu chỉ mang tính hình thức thì không cần thiết.

Triệt tiêu sự sáng tạo của trẻ?

Không phải phổ biến nhưng tại nhiều trường, không chỉ quần áo, cặp sách mà đến bao bìa bọc sách, loại mực, bút, tẩy... cũng phải đồng phục. Nhiều phụ huynh đã sắm những vật dụng cùng chức năng, tác dụng nhưng không đúng loại như yêu cầu của giáo viên phải bỏ đi mua lại.

Từng phải tháo bìa bọc sách đã bọc trước cho con để thay mỗi môn một màu theo yêu cầu của giáo viên, phải đổi mực và tẩy loại khác... chị Nguyễn Bích Ngọc, có con học tiểu học ở Q.5, TPHCM thở dài cho rằng, có thể không cố ý nhưng giáo viên đã gây khó khăn, nhũng nhiễu cho phụ huynh. Những vật dụng không cùng hiệu, cùng loại nhưng cùng chức năng thì nên linh hoạt, không nên quá cứng nhắc.

 
Nhiều phụ huynh "đuối" vì chạy theo yêu cầu về đồng phục trong dụng cụ học tập của giáo viên (Ảnh mang tính minh họa)

"Tôi có 3 đứa con và tôi nhận thấy, nhiều cô ở bậc tiểu học rất chỉn chu, chỉn chu một cách máy móc, cầu toàn. Học sinh làm không đúng như cô yêu cầu là phải chỉnh bằng được mới thôi. Thật ra việc nói để thuận lợi trong hướng dẫn học tập, quản lý chỉ là một phần", chị Ngọc nói và cho biết, không phải quy định đồng phục nào cũng do nhà trường, có khi chính giáo viên đặt ra.

Chị Ngọc nêu quản điểm, đừng để đồng phục gây khó khăn cho phụ huynh. Đồ dùng học tập chỉ là công cụ, hỗ trợ cho việc học, quan trọng nhất là HS tiếp thu được gì. Đồ tốt, xịn, có thương hiệu hay không cũng không quyết định HS học tốt hay không. Thế nhưng một số trường, GV quá chú tâm đến hình thức bên ngoài.

Đồng phục từ A đến Z trong học đường cũng đặt ra vấn đề về sự sáng tạo, cá tính của học trò. Bà Hoàng Thục Nhi, nghiên cứu sinh về giáo dục tại Phần Lan cho biết việc cái gì cũng đồng phục, cả bìa bao sách vở sẽ làm giảm hoặc triệt tiêu một phần sự sáng tạo của HS. Trong quá trình chuẩn bị đồ dùng học tập, nhiều em sẽ thích thể hiện cá tính, sự sáng tạo của mình.

Một khi ở trường cái gì cũng giống nhau, từ cái nhỏ nhất, HS sẽ quen với việc phải đồng bộ và giống nhau mới đẹp, mới đúng, từ đó dẫn đến dần dần sẽ ngại việc thể hiện cá tính hay sự khác biệt của mình. Đến khi lớn hơn sẽ ngại thể hiện quan điểm, chính kiến và đó sẽ là bất lợi trong quá trình phát triển bản thân và xã hội.

Trước đây, tại TPHCM, Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q.7 xây dựng "ngày thứ 6 cá tính" cho toàn bộ học sinh khối 9. Theo đó, vào ngày thứ 6, toàn bộ các lớp không cần phải đồng phục của trường, có thể mặc tự do bộ quần áo do lớp tự thiết kế, lựa chọn...

Theo lãnh đạo nhà trường, học sinh rất sáng tạo, có nhiều ý tưởng, thiết kế những trang phục đẹp, mặc rất thoải mái nhưng rất ít có dịp để mặc, rất lãng phí. Thế nên, trường đã ra ý tưởng một ngày trong tuần để HS thể hiện cá tính, sự khác biệt... các em rất năng động, tự tin và học tập hiệu quả hơn.

Theo Theo Dân trí