> 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2012
> Thế giới năm 2012: Những vùng biển không yên ả
> Những điều ít biết về nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc
Chuyển giao quyền lực ở các nước lớn, những căng thẳng chưa được giải quyết, tranh chấp chủ quyền ở châu Á, cơn bĩ cực của châu Âu, loạn lạc ở Trung Đông và tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn là những sự kiện đáng chú ý trong năm 2012, song cũng có những thay đổi tạo sự khởi đầu mới mẻ cho năm 2013.
Châu Á đang trở thành điểm nóng của thế giới trong năm qua với sự “tề tựu” của các cường quốc gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Nga. Những tranh chấp lãnh hải giữa hầu hết các quốc gia trong khu vực, như giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, Nga và Nhật là lý do khiến tình hình an ninh tại châu Á “nóng lên” suốt trong năm 2012 và dự báo sẽ còn tiếp tục trong năm sau.
Thế những, các nhà phân tích cho rằng sự thay đổi lãnh đạo gần như đồng thời tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã mang lại cho Đông Bắc Á một sự khởi đầu mới mẻ sau một thời gian dài chìm vào căng thẳng. Cả ba quốc gia này đều đối mặt với các vấn đề từ nền kinh tế toàn cầu lao đao và thành công từ vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo của Triều Tiên, khiến cho khu vực Đông Bắc Á trở nên bất ổn.
Nhật Bản muốn cải thiện quan hệ với các nước láng giềng
Tháng 9, hình ảnh hàng trăm nghìn người trên khắp Trung Quốc xuống đường biểu tình, phẫn nộ xé cờ Nhật, đốt ô tô Nhật, phá nhà hàng và siêu thị Nhật, đã leo lên trang nhất các báo thế giới. Hành động này thể hiện mức độ gay gắt của cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa hai cường quốc.
Các đại sứ liên tục bị triệu tập, những tràng khẩu chiến diễn ra không ngớt. Trên thực địa, các vụ bắt bớ và xua đuổi tàu thuyền, các màn rượt đuổi, đấu vòi rồng khiến nhiều người lo sợ rằng chỉ một sơ sảy thôi, thì căng thẳng có thể bị đẩy lên mức xung đột. Tình hình có lắng xuống vào cuối năm khi hai nước chuẩn bị thay đổi nhân sự lãnh đạo. Tuy nhiên,
Senkaku/Điếu Ngư khó có thể yên ả được lâu, khi tân Thủ tướng Nhật phát biểu ngay sau khi thắng cử cuối tháng 12, rằng Nhật sẽ không lùi bước trước Trung Quốc.
Phát biểu khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe đã tỏ rõ tham vọng muốn nâng cao vị thế của Nhật Bản trên trường thế giới. Quan điểm này của tân Thủ tướng Nhật Bản đã nhận được sự tán thưởng mạnh mẽ từ phía dư luận, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người đang lo ngại Nhật Bản sẽ “thụt lùi” so với nước láng giềng Trung Quốc về cả mặt kinh tế và ngoại giao.
Một trong những biện pháp đầu tiên mà ông Abe đề cập tới nhằm trấn an sự lo lắng của người dân Nhật Bản đó là chính quyền Tokyo sẽ tiếp tục giải quyết triệt để vấn đề tranh cãi chủ quyền biển đảo với Trung Quốc và tăng cường mối quan hệ đồng minh với Mỹ.
Trong diễn biến khác, quan hệ giữa Tokyo với Seoul từng ở thời kỳ đỉnh cao. Nhưng mọi chuyện trở nên xấu đi khi hai bên tranh chấp quần đảo mà Nhật Bản gọi là Takeshima còn Hàn Quốc gọi là Dokdo.
Thủ tướng mới của Nhật Bản trong bối cảnh tình hình trong khu vực và trên thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp như: chương trình hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên, cuộc khủng hoảng tại Syria... đối mặt với việc vừa giải quyết một cách thỏa đáng những vấn đề này, vừa không làm “sứt mẻ mối quan hệ đồng minh truyền thống” với các nước phương Tây mà Nhật Bản đã vun vén suốt bao năm qua.
Thủ tướng Abe phải đưa ra một phương thức đáng tin cậy để khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với Senkaku cũng như duy trì sự kiểm soát hành chính đối với quần đảo đang tranh chấp này.
Tuy nhiên, ông cũng không thể hy sinh đại cục quan hệ Trung - Nhật cũng như không mạo hiểm lao vào xung đột hay để cho thương mại song phương sụp đổ. Đồng thời, Thủ tướng Abe cần tìm cách tăng cường các mối quan hệ của Nhật Bản với các láng giềng trong khu vực như Australia, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam và với cả Ấn Độ nữa.
Ông Abe đang phát đi những tín hiệu cho thấy muốn cải thiện quan hệ với các nước láng giềng như cử đặc sứ Masahiko Komura đến Trung Quốc để đối thoại với Bắc Kinh cũng như cử các đặc sứ khác đến Hàn Quốc và Nga, những nước có tranh chấp lãnh thổ với Nhật. Tổng thống Nga Putin mới đây cũng tiết lộ ông Abe muốn ký một hiệp ước hòa bình với Nga.
Seoul muốn có thêm “đối tác chiến lược”
Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống ở xứ sở Kim Chi đưa bà Park Geun-hye lên thay Tổng thống Lee Myung-bak khi ông kết thúc nhiệm kỳ 5 năm lãnh đạo và rời cương vị này vào ngày 25-2-2013. Bà Park Geun-hye, con gái cựu Tổng thống Park Chung-hee và là nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.
Đánh giá cao về năng lực và bản lĩnh chính trị của bà Park, các nhà phân tích cho rằng, việc Hàn Quốc đón nhận nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử cũng được kỳ vọng sẽ mang lại “làn gió thay đổi mới” cho quốc gia này.
Trên cương vị Tổng thống thứ 18 của Hàn Quốc, bà Park Geun-hye sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề hóc búa: từ khôi phục tăng trưởng kinh tế đến cải thiện quan hệ băng giá với CHDCND Triều Tiên. Theo tờ Telegraph, các cử tri coi bà là một người “nhân hậu, điềm tĩnh và đáng tin cậy” có khả năng “cứu đất nước”.
Bà đã nhắc lại một cụm từ vốn do cha bà là Tổng thống quá cố Park Chung-hee khai sinh “Let’s live well - hãy sống tốt” khi thực hiện những biện pháp nhằm đưa đất nước Hàn Quốc thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Người ta cũng còn nhớ cha của bà Park là cố Tổng thống Park Chung-hee đã từng làm việc với Thủ tướng Nobusuke Kishi - ông của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe - để bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương năm 1965.
"Cũng giống như cha mình từng củng cố quan hệ với Mỹ và Nhật, Tổng thống đắc cử Park Geun-hye được kỳ vọng sẽ tìm kiếm quan hệ tốt hơn nữa với hai đồng minh của mình" - Giáo sư Nae-Young của Đại học Hàn Quốc nói. Ông Lee cho rằng "Không dễ dàng gì cho bà Park khi phải nhượng bộ trong các tranh cãi về chủ quyền, nhưng chính sách ngoại giao ôn hòa của bà sẽ đóng góp vào ổn định của khu vực" - ông Lee nói thêm là bà Park còn có thể muốn Trung Quốc trở thành “đối tác chiến lược” với Seoul.
Nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc khẳng định ngay từ đầu rằng bà mong muốn củng cố hòa bình trong khu vực, nhất là với người láng giềng có nhiều điểm khác biệt. "Tôi sẽ cố gắng làm việc để hòa giải, hợp tác và hòa bình nhiều hơn nữa ở Đông Bắc Á dựa trên nhận thức đúng đắn về lịch sử" - Bà Park nói.
Có vẻ như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ dễ dàng hợp tác hơn khi mà một lãnh đạo Hàn Quốc lên nắm quyền với một chính sách rộng lượng hơn với Triều Tiên" - Giáo sư danh dự của Đại học Keio tại Tokyo là Masao Okonogi phân tích và nhận định một điều chắc chắn là năm 2013 sẽ là một năm rất “bận rộn” khi Đông Bắc Á có ba lãnh đạo mới.
Ông Okonogi nói: "Ngoại giao tại Đông Bắc Á thậm chí sẽ còn năng động hơn để phản ánh căng thẳng đang nổi lên" tại khu vực này
Theo Minh Điểm
World Politics Review, Asia One/anninhthudo.vn