Dọn nợ nần của doanh nghiệp nhà nước

TP - Với số nợ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên 1,29 triệu tỷ đồng, Việt Nam phải xử lý được nợ của khối doanh nghiệp này (con nợ) thì mới lành mạnh hoá được hệ thống ngân hàng. Đây là đề xuất của chuyên gia quốc tế, tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG 2012) ngày 10-12, bàn quanh chủ đề Tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Đại diện các nhà tài trợ tại CG 2012 Ảnh: Phong Cầm

> Không thể bỏ qua chuyện nợ triệu tỷ
> Khó dự báo số vốn ODA cho Việt Nam năm 2013

Lo nợ xấu tăng

Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam một năm qua, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro.

Lạm phát cơ bản vẫn cao, mức dự trữ ngoại tệ vẫn thấp, việc nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tài khoá sớm có thể khiến lạm phát tăng trở lại.

Theo bà Victoria Kwakwa, CG 2012 là cơ hội để Chính phủ Việt Nam trực tiếp lắng nghe những đối thoại thẳng thắn, rộng mở và đầy trách nhiệm của các nhà tài trợ.

Ông Sanjay Kalra - đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, chính những yếu kém và thiếu minh bạch liên quan đến hoạt động của hệ thống ngân hàng đã ảnh hưởng xấu đến sự ổn định và sẽ tiếp tục cản trở sự tăng trưởng của Việt Nam.

Do sự bất nhất về số liệu nợ xấu công bố, nên thị trường đang có những đánh giá khác nhau và không chắc chắn về mức độ nợ xấu thực sự trong hệ thống ngân hàng hiện nay tại Việt Nam.

Theo ông Sanjay Kalra, các vấn đề của ngành ngân hàng sẽ không thể được giải quyết triệt để nếu không giải quyết vấn đề của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), là bên đi vay.

Mối quan hệ dích dắc này làm khó thêm tiến trình tái cơ cấu của Việt Nam. “Với triển vọng tăng trưởng yếu ớt và sự cần thiết của cải cách và củng cố ngành ngân hàng đến năm 2015, mức nợ xấu còn có thể tiếp tục tăng thêm nữa” - vị đại diện IMF cảnh báo.

Ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có một lộ trình rõ ràng để tiến hành công nghiệp hóa đất nước vào năm 2020.

Trong đó, việc cải tổ lĩnh vực tài chính, ngân hàng, DNNN và tăng tính minh bạch, tính thống nhất, tính tự chịu trách nhiệm phải được đặt lên hàng đầu.

Còn theo ông Tanizaki Yasuaki - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp cụ thể về tái cấu trúc kinh tế.

Trong đó, vấn đề cấp bách nhất là xây dựng hệ thống tài chính lành mạnh và điều này đòi hỏi phải giải quyết bằng được vấn nạn nợ xấu và tái cấu trúc lĩnh vực DNNN. Đại điện Liên minh châu Âu (EU) cũng cho rằng thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách để thực hiện Nghị quyết 11.

Trong đó, nhiệm vụ quan trọng đó là tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng cũng như cải cách DNNN. Việt Nam cần tăng tính tự chịu trách nhiệm để ổn định kinh tế vĩ mô và các cải cách trong nước.

Cần đối xử công bằng về việc sử dụng đất vì đây là một yếu tố tác động đến sự phát triển KT-XH Việt Nam. Ngoài ra, theo vị đại diện EU, Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp để chống tham nhũng, trong đó cần tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí vì báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống tham nhũng.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận những ý kiến tâm huyết của tất cả các nhà tài trợ. Thủ tướng cho biết, nếu như thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tại thời điểm năm 1992 chỉ ở mức 140 USD thì hiện nay, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đã gần 1.600 USD (tăng 300 USD so với năm 2011).

Như vậy, sau 20 năm phát triển, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 11,43 lần. Theo Thủ tướng, trong suốt chặng đường 20 năm qua, các nhà tài trợ đã đồng hành, hợp tác và theo sát từng bước trưởng thành của Việt Nam.

Để đạt được những mục tiêu đề ra trong năm 2013, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tăng cường kỷ luật kỷ cương, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhất là tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của DNNN, các ngân hàng thương mại.

Nâng cao năng lực dự báo để đánh giá tình hình kịp thời, hiệu quả. Đề cao trách nhiệm, năng lực phẩm chất của người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, để đạt GDP cao hơn, Chính phủ tập trung xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho, có điều kiện tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý, ưu tiên tín dụng cho hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ. Trong năm tới, sẽ cân nhắc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng, việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2013.

Cam kết tài trợ giảm còn gần 6,5 tỷ USD vốn ODA

Kết thúc CG 2012, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, tổng số vốn ODA các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam năm 2013 đạt 6,485 tỷ USD (giảm gần 1 tỷ USD so với năm 2012).

Trong đó, Nhật Bản cam kết 2,6 tỷ USD; Hàn Quốc 1,2 tỷ USD; EU 743,16 triệu USD... Như vậy, đây là năm thứ ba liên tiếp cam kết ODA giảm, từ mức kỷ lục 8 tỷ USD hồi 2009, xuống 7,9 tỷ USD năm 2010 và 7,3 tỷ USD năm 2011.

Lý do giảm theo bà Vitoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, do khó khăn chung từ suy thoái kinh tế, cộng với việc Việt Nam đã đạt ngưỡng thu nhập trung bình nên không nằm trong nhóm được viện trợ từ WB.

Theo bà Vitoria Kwakwa, đây cũng là kỳ họp cuối cùng mang tên Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ. Từ năm sau, hội nghị sẽ đổi tên thành Diễn đàn Phát triển Việt Nam và chỉ tổ chức mỗi năm một lần thay vì hai lần vào giữa và cuối năm như hiện nay.

Theo Báo giấy