Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, người lao động đã được thông tin những nội dung cơ bản trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, những tác động đến doanh nghiệp, người lao động; các quy định mới về chính sách, pháp luật BHXH như: Việc tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 1/7/2023; trách nhiệm của người sử dụng lao động, quyền của người lao động; tỷ lệ đóng vào các quỹ BHXH; tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu; khiếu nại, tổ cáo, xử phạt vi phạm pháp luật về BHXH; quy định việc xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN…
Nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp, người lao động đã được đại diện BHXH, VCCI và các ngành chức năng giải đáp thoả đáng, như: Điều kiện để nghỉ hưu và hưởng các chế độ BHXH; giải quyết chế độ BHXH một lần; giải quyết chế độ BHXH đối với doanh nghiệp chủ sử dụng lao động bỏ trốn, doanh nghiệp giải thể; quy định về danh mục nghề nặng nhọc độc hại, thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau; mức tiền lương đóng BHXH; thủ tục hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Qua trao đổi, các đơn vị sử dụng lao động hiểu rõ hơn về các quy định liên quan đến chính sách BHXH, lao động, việc làm để áp dụng tại doanh nghiệp cho đúng quy định, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Chị Trần Thị Kiều Loan, Công ty TNHH TM DV và sản xuất Hồng Ngọc cho biết, chị nhận thấy chính sách BHXH, BHYT rất quan trọng với bản thân và người lao động. Bản thân chị là người đã hưởng chế độ thai sản sau 2 lần sinh con, với hơn 40 triệu đồng tiền trợ cấp nhờ tham gia BHXH. Tiền trợ cấp giúp chị yên tâm nghỉ ngơi và chăm sóc con nhỏ. Từ nhận thức rõ về tính ưu việt của chính sách BHXH, chồng làm lao động tự do chị cũng thuyết phục chồng tham gia BHXH tự nguyện, để 2 vợ chồng lo cho lúc về già có lương hưu.