Đây là nhận định chung khi giới quan sát đánh giá về phát biểu của quan chức hàng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện nay, quyền Tổng Giám đốc John Lipsky, khẳng định chắc như “đinh đóng cột” đồng NDT sẽ trở thành ứng cử viên để đưa vào rổ tiền tệ khi IMF đưa ra những đánh giá tiếp theo trong Hệ thống Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR) vào năm 2015. Tuyên bố của ông trong chuyến thăm Bắc Kinh tuần này được hiểu là sự khích lệ đối với tham vọng lâu nay của Bắc Kinh về quốc tế hóa đồng nội tệ.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái đòi hỏi một vị thế xứng đáng hơn cho đồng nội tệ. Song, tại sao phải tới thời điểm này, IMF mới công khai sự ủng hộ của mình với Trung Quốc. Không quá khó để tìm lời giải đích thực nếu đặt câu hỏi này trong một bức tranh toàn cảnh liên quan tới vấn đề nhân sự và cải cách của IMF hiện nay. Đó chính là cuộc đua vào ghế Tổng Giám đốc đầy quyền lực của nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde. Không phải ngẫu nhiên chuyến thăm Trung Quốc của ông Lipsky lại trùng với chuyến thăm Bắc Kinh của bà Lagarde – người đang thực hiện chuyến công du nhiều nước trên thế giới nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho các nỗ lực của bà tại IMF.
Tuy được đánh giá là ứng cử viên nặng ký, song bà Lagarde vấp phải một rào cản khá lớn trên con đường lên đỉnh cao quyền lực tại IMF. Đó là sự phản đối của nhóm BRICS, gồm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Nam Phi, những nước muốn phá lệ “bất thành văn” ghế tổng IMF phải là của người châu Âu. Nhưng, “muốn” không đồng nghĩa với “được” vì thực tế các nước này không đưa ra được một đối thủ xứng tầm với bà Lagarde. Vì thế, sự “bật đèn xanh” của IMF đối với tham vọng của Trung Quốc vào thời điểm này chính là để đổi lấy lá phiếu của Bắc Kinh cho bà Lagarde.