Dọc đường cứu trợ-Kỳ 11: Lũ qua, nợ nần ở lại

TP - Gia sản và khoản tiền gần tỷ bạc vay ngân hàng của anh Nguyễn Trị (44 tuổi) ở xã Quảng Lộc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) đều đổ vào lồng cá bè. Khi cơn “đại hồng thuỷ” ập tới, vợ chồng anh Trị liều mạng ôm lồng cá bị cuốn trôi hàng chục km, vì nỗi lo khoản nợ treo trên đầu.
Chị Oanh (ngồi giữa) trò chuyện cùng PV Tiền Phong. Ảnh: M.Đ

Sau bão lũ, nhiều người dân miền Trung rơi vào cảnh khó khăn. Hôm đó, đại diện báo Tiền Phong cùng BTC Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đến trao quà hỗ trợ 600 hộ dân ở thị xã Ba Đồn (Quảng Bình).

Khi bước chân gần đến xã Quảng Minh, hiện ra trước mắt chúng tôi là các bè nuôi cá lồng trên sông đã bị nước lũ đánh tan, xô dạt xiêu vẹo, xơ xác, trống không.

Thi thoảng, một vài người ra đứng cạnh bờ sông với ánh mắt tiếc nuối. Họ bảo, thành quả lao động cực nhọc cả năm bỗng chốc như “dã tràng xe cát”. Trắng tay.

Biết chúng tôi đến, người dân địa phương đã xếp hàng ngay ngắn từ sớm trên một bãi cát nham nhở bùn đất. Phía xa xa là lác đác người dân ngồi trên những chiếc thùng phuy méo mó, bám đầy xác hà còn sót lại sau trận cuồng phong.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Oanh, một người dân địa phương cho biết, hầu hết người dân ở đây đều sống bằng nghề nuôi cá lồng, cá bè. Chị Oanh chỉ vào những chiếc thùng phuy: “Anh thấy đấy, sau lũ hàng trăm hộ gia đình nuôi cá lồng trắng tay chỉ vớt vát lại được mấy thứ này”.

Chị Oanh lấy vạt áo quệt ngang mắt nói tiếp, trong các hộ gia đình nuôi cá, gia đình anh Nguyễn Trị ở xã Quảng Lộc là hộ cám cảnh nhất.

Theo chị Oanh, những gia đình khác có đầu tư nuôi, nhưng quy mô không lớn, không vay mượn ngân hàng nhiều như gia đình anh Trị. Nhà khác có thể trắng tay, nhưng gia đình anh Trị còn khoản nợ cả tỷ bạc đè lên đầu.

Sau cuộc trò chuyện với chị Oanh, chúng tôi xin được số điện thoại và gọi cho anh Trị, nhưng điện thoại chỉ vọng lại tiếng “thuê bao quý khách hiện không liên lạc được...”. Vài ngày sau chúng tôi mới kết nối được với anh Trị.

Liều mạng ôm lồng cá

Anh Trị đang gom những chiếc thùng phuy còn sót lại sau lũ để kết lại bè cá.  Ảnh: T.H

Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má đầy nếp nhăn với thần sắc thất thần sau khi chứng kiến trận lũ dữ lịch sử. “Cả gia sản, rồi tiền bạc vay mượn cả tỷ bạc đều nằm ở những cái lồng cá, làm sao vợ chồng tôi buông bỏ được”, anh Trị nói.

Gia đình anh thả nuôi 32 ô lồng cá, chủ yếu là cá vược, một loại cá đắt tiền được nuôi từ 10 tháng nay. Trọng lượng mỗi con đã đạt 2-3kg và đang chuẩn bị xuất bán.

Khoảng 6 giờ sáng 19/10, Quảng Lộc mưa trắng trời. Nước lũ từ thượng nguồn sông Gianh đổ về quá nhanh, nhiều ngôi nhà nước đã chạm nóc. Anh cùng vợ con và một người hàng xóm gắng gượng bám trụ, cố giữ lấy số lồng cá không để bị trôi. Nhưng nào ngờ, nước chảy xiết, sóng đánh dồn dập, quấn lấy thuyền quay giữa sông.

 “Nhìn đám lồng cá với hàng vạn con cá do chính tay mình nuôi cứ thế trôi tuột vào dòng nước lũ. Xót xa lắm. Đây là tài sản đáng giá nhất của gia đình tôi. Gia đình cũng dự định sẽ thu hoạch vào đầu tháng 11 để dành dụm tiền trang trải cho dịp Tết và vụ nuôi tiếp theo”.

Rồi từng chiếc lồng cá cứ thế trôi dần theo dòng nước lũ. Tới lồng thứ 32, chiếc lồng lớn nhất, trên đó gia đình làm chòi canh.

Lúc này anh tự hỏi, giờ để lồng cá trôi hết, biết sẽ lấy gì để tiếp tục mưu sinh, sẽ lấy gì để trả nợ ngân hàng?

“Tôi và vợ quyết bám chặt lấy chiếc lồng cá mặc kệ cho sóng to gió lớn. Chiếc lồng cùng vợ chồng tôi trôi khoảng 15km đến giáp cửa biển, được một thuyền cá cứu vớt”.

Sau đó, họ động viên “của đi thay người, còn người còn của”, rồi họ lai dắt vợ chồng tôi vào bờ. Phải mất 4 giờ, vượt qua bao sóng gió, thuyền anh mới tới làng Văn Phú. Vừa đến nơi, anh kiệt sức, bất tỉnh.

Nhiều người hỗ trợ xoa bóp, 3 giờ sau anh Trị mới tỉnh. Thấy cả 4 người ướt như chuột lột, dân làng Văn Phú cho mỗi người một bộ quần áo và áo mưa. Vậy là nước lũ đã lấy đi 32 ô lồng, với 1,2 vạn con cá vược. “Trong lúc khó khăn, nguy cấp, may mắn gặp được những người tốt, tôi cảm thấy rất ấm áp. Họ thấy thương nên hỗ trợ 10 lít xăng để đổ thuyền chạy về”, anh Trị kể.

Nhưng nỗi lo lớn nhất của gia đình anh Trị lúc này là sẽ lấy gì để tiếp tục hành nghề và lấy gì để trả nợ. Anh Trị tỉnh lại tới đâu, đồng nghĩa với các khoản nợ hiện hình rõ tới đó.

Anh nghẹn ngào: “Gia đình tôi chỉ mong được giúp đỡ một khoản tiền để mua cá giống, gà giống, lợn... chăn nuôi dần khắc phục hậu quả trả nợ và làm nhu yếu phẩm cho các cháu sinh hoạt trong dịp Tết sắp tới”.

Với người Quảng Minh, Quảng Lộc (thị xã Ba Đồn), nhiều năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng vốn là một hướng đi thoát nghèo hiệu quả. Nhưng trận đại hồng thủy khiến mọi nỗ lực của họ trở về vạch xuất phát.

Bão lũ đi qua làm cuộc sống đảo lộn. Cuộc sống phía trước càng thêm mịt mờ khi vụ cá năm nay trôi sông, mất trắng. Nhiều hộ dân nuôi cá ở Ba Đồn đã phải thốt lên câu nói đầy bất lực: “Bế tắc”. Những tổn thất do thiên tai gây ra càng khiến cuộc sống của người dân nơi đây tới lui trong vòng luẩn quẩn nghèo khó. Tiền vay ngân hàng chưa trả hết, lồng bè hư hỏng phải sửa chữa lại, khó khăn chồng chất khó khăn...

Ông Lê Văn Tương, Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc cho biết: Toàn xã có 30 hộ nuôi cá lồng bè. Trong đợt lũ vừa qua, có 17/30 hộ thiệt hại nặng nề, 82 lồng bè bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Số lượng cá chết ước tính khoảng 25 tấn, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. “Chúng tôi đã nắm bắt tình hình và lên phương án hỗ trợ người nuôi cá lồng bè vượt qua khó khăn này. Nuôi cá lồng ở thôn Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn) phát triển từ năm 2013 trở lại đây. Những năm gần đây, nuôi cá lồng bè cho thu nhập cao, là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân địa phương”, ông Tương nói.