Độc đáo thánh đường “gieo” chữ cho học sinh vùng sâu

TP - Thánh đường Nà Phặc, Giáo xứ Bắc Kạn (Bắc Kạn) không chỉ là nơi hành lễ mà còn là nơi nuôi dưỡng hàng trăm đứa trẻ ở vùng sâu vùng xa có cơ hội học tập và đến trường học.
Nhà thờ Nà Phặc

Bước chân xuống xe, hiển hiện trước mắt chúng tôi là ngôi Thánh đường “mọc” giữa núi rừng trùng điệp, được xây dựng theo kiến trúc phương Tây khang trang, sạch đẹp.

Chia sẻ với Tiền Phong, linh mục Joseph Nguyễn Văn Tĩnh, người quản nhiệm Thánh đường Nà Phặc cho biết, năm 1979, xảy ra biến cố chiến tranh biên giới. Khi chiến tranh xảy ra, người dân tìm đến Nà Phặc để trú tránh đạn, bom. Chiến tranh kết thúc, một số người trở về Cao Bằng, còn lại 25 gia đình và lấy luôn tên của vùng đất Nà Phặc (nghĩa là ruộng bí - do nơi đây trồng rất nhiều bí) để đặt tên cho giáo họ. Phần đa bà con giáo dân là người Mông và Dao, nên Thánh lễ được cử hành theo 2 thứ tiếng: tiếng Kinh và tiếng Mông.

Theo cha Joseph, hiện cả tỉnh Bắc Kạn có hơn 1.200 giáo dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đông nhất là người Mông. Có người cách nhà thờ 180 km. Chính vì thế vào ngày chủ nhật, vị linh mục này phải đi tới 170km để dâng lễ. Linh mục Joseph cho biết thêm, triển vọng truyền giáo ở đây rất lớn. Hiện còn khoảng 300 gia đình muốn gia nhập đạo.

Bữa cơm của phụ huynh và học sinh tá túc tại nhà thờ Nà Phặc. Ảnh: N.T

Ngoài mục đích truyền giáo, chúng tôi chung tay cùng xã hội đưa các cháu đến trường. “Thời gian đầu, chúng tôi đi cả trăm cây số, phải đển từng hộ gia đình để vận động bố mẹ cho các cháu đến trường. Tuy nhiên, do nhiều gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, quãng đường cách trường gần 100km, toàn đường đất, đường đồi nên chỉ có ít cháu tham gia. Vận động được các cháu rồi, chúng tôi phải xin rau, gạo, thực phẩm… để nuôi các cháu”, linh mục Joseph nói.

Linh mục Joseph chia sẻ, trước về đây, khu đất này chỉ có căn nhà dựng tạm bằng những thanh gỗ ghép, lợp bằng lá cọ. Dù là căn nhà tạm bợ nhưng nó có 2 chức năng, vừa là nơi để giáo dân cầu nguyện vừa là nơi để các cháu tá túc học tập.

Sau thời gian, việc làm của chúng tôi mang lại hiệu quả, nhiều cá nhân tổ chức giúp đỡ đến nay đã xây dựng được ngôi Thánh đường khang trang sạch đẹp để cử hành Thánh lễ và cũng là “ký túc xá” cho các cháu học sinh. Hiện nhà thờ Nà Phặc đang có cả trăm cháu học sinh tá túc.