Độc đáo nghề dắt chó đi thi

TPO - Để dành được giải ở những cuộc thi của chó, đôi khi sở hữu một chú chó đẹp chưa phải là vấn đề cốt lõi. Quan trọng là phải có kỹ năng và huấn luyện được chú chó có thể tạo dáng chuẩn, phô diễn được các nét đẹp khi tranh tài. Từ nhu cầu thực tế này, một nghề đặc biệt đã ra đời: Nghề chuyên dắt chó đi thi hay còn gọi là Handler.

Handler thực tế ở phương Tây không phải nghề mới mẻ. Nghề này có thể giúp nhiều người kiếm sống khá tốt. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thời gian gần đây khi các cuộc thi chó và giới chơi chó đông đảo hơn, nghề này mới thực sự phát triển.

Để trở thành một handler chuyên nghiệp cần phải có những kỹ năng điều khiển chó đặc biệt để giúp chó phô diễn được vẻ đẹp, năng lực trong các cuộc thi dành cho chó, có tương tác tốt với giám khảo. Bên cạnh đó, các handler còn cần phải huấn luyện được các kỹ năng cho chó theo nhu cầu của chủ chó khi cần.

Mỗi handler cần phải biết cách để tạo dáng cho chú chó đi thi sao cho đẹp nhất.

Nguyễn Minh Tuấn, một handler được biết đến khá nhiều ở Hà Nội vì khá “mát tay” trong việc giúp những chú chó anh dẫn đi thi dành được giải cao cho biết, công việc nào cũng phải bắt nguồn từ niềm đam mê, handler cũng cần yếu tố này.

Theo Minh Tuấn, công việc chủ yếu của những người làm nghề "dắt chó đi thi" đầu tiên là phải biết cách làm những chú cún nghe lời và phục tùng theo mệnh lệnh của người hướng dẫn.

Không chỉ thế, mỗi chú chó sẽ có cách tiếp cận khác nhau và cũng cần có “giáo trình” học khác nhau để rèn luyện các thói quen và kỹ năng “show” khi đi thi.

Nghề handler của Tuấn hiện đang có nhiều bạn trẻ theo đuổi. Tuy nhiên, để sống được bằng nghề này thì không dễ dàng vì ở Việt Nam không có nhiều cuộc thi chó liên tục như phương Tây nên thu nhập là không đáng kể. Đa phần các handler đều chỉ làm thêm như nghề tay trái và thoả mãn niềm đam mê của mình.

“Tôi hiện tại vẫn là một nhân viên văn phòng ở một công ty công nghệ tư nhân. Thời gian dành cho nghề handler này chủ yếu vào ngày cuối tuần là chính. Hoặc thi thoảng có những show lớn ở các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia theo yêu cầu của chủ chó thì tôi đành phải nghỉ làm. Nhưng cũng không quá nhiều những show như thế”, chị Mai Ly, một handler ở Hà Nội cho biết.

Để trở thành một handler thực sự không đơn giản ngoài niềm đam mê.

Cũng theo chị Ly, những người làm nghề này cần phải khá nghiêm túc trong việc trau dồi kiến thức về các loài chó bởi khi dắt một chú chó, một handler cần phải mất thời gian làm quen, huấn luyện. Mỗi một chủ sẽ có một loại chó khác nhau nên việc làm quen cũng phải có kỹ thuật tốt để chú chó ngoan ngoãn nghe lời.

Trong khi đó, theo Minh Tuấn, một handler ở Việt Nam nếu nói được chuyện sống bằng nghề thì hơi khiên cưỡng. Bản thân Tuấn cũng có công việc riêng và cũng là một người chơi chó nên có nhiều lợi thế dù thời gian đầu cũng bị gia đình phản đối do có khi dắt cùng lúc mấy chú chó về nhà một lúc.

Minh Tuấn tiết lộ, khi chủ chó gửi thì làm thế nào để chú chó nghe theo handler là cả vấn đề. Phải hiểu tính cách của chú chó thì khi dắt về mới có thể huấn luyện được. Bên cạnh đó, handler phải học để trở thành các chuyên gia về chó thực sự khi đi thi chó.

Huấn luyện chó là một chuyện nhưng người handler cũng phải có kỹ năng chuẩn. Đơn cử như việc kỹ năng ban đầu là phải biết cách cầm dây dắt chó đúng yêu cầu. Việc căng, chùng hay nới lỏng dây đúng thời điểm thích hợp sẽ giúp chó di chuyển, tạo khoảng cách hợp lý khi trình diễn trên sân khấu.

Nguyễn Minh Tuấn - một handler "mát tay" ở Hà Nội cho biết, mỗi chú chó có một tính cách khác nhau nên handler phải có kỹ năng tốt để tiếp cận.

Bên cạnh đó, handler cần biết kỹ thuật mở hàm chó đúng cách để giam khảo kiểm tra răng của chú chó sao cho chó hơi hở hàm, vừa đủ lộ răng ở hai hàm, nhất là răng cửa.

"Một handler chuyên nghiệp phải biết cách dắt chó đi bằng cả hai tay. Có thể dắt chú chó chạy quanh sân khấu theo các hình sân khấu khác nhau theo yêu cầu của ban giám khác, luôn để đầu chú chó tạo dáng đẹp khi di chuyển, bước chân trước sau cũng phải chuẩn”, Minh Tuấn cho biết.

Thực tế, ở những cuộc thi chó quốc tế và ở Việt Nam hiện nay, nhiều chủ chó vẫn thường thuê handler chuyên nghiệp thay vì tự dắt. Chính vì vậy, các handler vẫn có đất để phát triển dù không nổi bật như ở phương Tây.

“Với những người muốn theo con đường làm nghề handler chuyên nghiệp ngoài niềm đam mê cần có đầu tư thời gian, tiền bạc để học các lớp dạy ở nước ngoài vì muốn thăng hạng thì đôi khi nhiều chủ chó vẫn gửi chó ra nước ngoài để dự thi. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc handler phải nắm được các quy tắc ở nhiều cuộc thi khác nhau. Tiếng Anh cũng phải khá mới có thể hiểu hết ý của Ban giám khảo khi cần”, chị Mai Ly chia sẻ.