Khi còn là một đứa trẻ, Brian Scudamore rất gọn gàng. Trong phòng ông không bao giờ có đồ chơi hay thú nhồi bông vứt vương vãi. Thói quen này vẫn được ông giữ tới tận bây giờ “Trong nhà, gia đình tôi không giữ những thứ không dùng tới. Tôi không thích rác”, ông nói. Nhưng khi Scudamore đi làm, rác lại là từ khóa số một của ông. Công ty trị giá hàng triệu USD của ông mang tên 1-800-GOT-JUNK? có nhiệm vụ thu dọn và vận chuyển hàng phế phẩm tới các cơ sở tái chế hoặc cửa hàng đồ cũ.
Mạng lưới công ty bắt rễ từ trụ sở tại Vancouver và tính đến nay đã mở rộng tới tới 325 khu vực khác. Từ khoản đầu tư vỏn vẹn 700 USD vào năm 1989, 1-800-GOT-JUNK? đã vươn lên trở thành một trong những công ty phát triển nhanh nhất thế giới, với đoàn 1.000 xe tải, doanh thu cán mốc hơn 107 triệu USD. Đối với Scudamore, rác là tiền.
Thành công khó tưởng tượng này thực chất đã được Scudamore định sẵn trong đầu từ những ngày đầu thành lập công ty. Nhìn lại sự nghiệp 20 năm về trước, ông khẳng định: “Tôi có một tầm nhìn rõ ràng về những việc mình muốn làm, về năng lực thực sự của mình. Điều đó giúp ích rất nhiều”.
Niềm đam mê kinh doanh đã sớm bộc lộ khi Scudamore chỉ là một cậu bé. Khi cậu bạn hàng xóm khai trương dịch vụ rửa xe với giá 2 USD, Scudamore cũng dựng một sạp hàng ở bên này đường, với giá chỉ 1,5 USD. Lớn lên, khi đi học trường nội trú, Scudamore đã mở một sạp hàng tạp hóa trong trường, bán kẹo, bánh và các đồ ăn vặt khác cho bạn cùng ký túc xá. Sạp hàng cực kỳ đắt khách cho đến khi bị nhà trường buộc phải đóng cửa.
Máu kinh doanh càng sôi sục trong Scudamore khi ông bước vào những năm cuối của cấp ba. Đến bây giờ, ông vẫn nhớ về lớp học đại số khó đến nỗi ông “không thể qua nổi”. Vì vậy ông đã bỏ học khi chưa lấy được bằng tốt nghiệp.
Công ty trị giá hàng triệu USD của ông mang tên 1-800-GOT-JUNK? có nhiệm vụ thu dọn và vận chuyển hàng phế phẩm tới các cơ sở tái chế hoặc cửa hàng đồ cũ.
Tuy nhiên, với những kinh nghiệm thương trường đã tích lũy được, ông vẫn nộp đơn xin vào trường đại học Concordia tại Montreal. Ông đã trình bày một bài thuyết trình rất thuyết phục, lý luận về sự vô tác dụng của các bài toán đại số trong cuộc sống đời thường. Ban giám hiệu trường Concordia bị ấn tượng đến nỗi họ quyết định nhận ông vào học.
Vào một ngày đẹp trời, Scudamore ngồi ăn trong một tiệm McDonald's khi ông nhìn qua cửa sổ và thấy một chiếc xe tải chở rác, bên trong thùng chứa rất nhiều đồ cũ. Một ý tưởng chợt nảy ra trong đầu ông. “Chiếc vé vàng của mình đây rồi. Sao không mua một chiếc xe tải và đi chở rác miễn phí nhỉ?”. Chỉ đơn giản như vậy, Scudamore đã theo đuổi tham vọng của mình. Ông bỏ 700 USD mua một chiếc xe tải chở hàng. Việc kinh doanh nhanh chóng khởi sắc.
Scudamore với chiếc xe chở rác đầu tiên.
Khi công việc choán nhiều thời gian, ông quyết định bỏ luôn đại học. Vào thời điểm đó, ông đã có trong tay 3 chiếc xe tải. Đây cũng là lúc ông cảm thấy cần vẽ ra viễn cảnh cho công ty. Vào một ngày năm 1998, khi đi dạo trong trang trại của bố mẹ tại đảo Bowen ở British Columbia, ông đã vẽ ra 2 trang miêu tả tương lai của công ty và đặt ra một mục tiêu xa vời: Trong 5 năm, công ty thu rác của ông phải vươn tới 30 thành phố lớn hơn Vancouver tại Mỹ và Canada.
“Tôi luôn nghĩ về công ty của mình như một dự án hoàn toàn tiềm năng, không có hạn chế và không có chướng ngại. Chúng tôi đã đạt mục tiêu sớm hơn 16 ngày so với dự định”, ông kể lại. Thời đó, ông cũng rất nghiêm túc khi bắt tay vào xây dựng chiến lược marketing. Tên ban đầu của công ty là “Những chàng trai rác” (“The Rubbish Boys”), Scudamore muốn có một cái tên thân thiện với hộ gia đình Mỹ hơn vì từ “rubbish” có bắt nguồn từ tiếng Anh Anh. Thêm nữa, công ty cũng đang có thêm nhiều nhân viên nữ.
Khi một đồng nghiệp nghĩ ra cụm “Got Junk?” (“Có rác à?”) xuất phát từ chiến dịch “Got Milk?” - một chiến dịch nổi tiếng thời bấy giờ cổ động mọi người tăng cường tiêu thụ sữa bổ dưỡng, Scudamore thấy viễn cảnh mà ông vẽ ra đã trở thành hiện thực. “Tôi chốt lại mục tiêu, tôi biết chắc chắn công ty phải có tên là 1-800-GOT-JUNK?, chúng tôi cần số điện thoại đó”, ông kể.
Vì vậy, ông đã nhấc máy quay số. Đầu dây bên kia là một văn phòng điều khiển không lưu tại Idaho. Ông không ngừng gọi điện ngày này qua này khác, xin họ nhượng lại số điện thoại đó cho công ty mình. Cùng lúc, ông tạo logo và sơn tên mới lên xe tải, ông tin tưởng chiến dịch marketing của mình sẽ thành công. Một lần nữa, với khả năng thuyết phục của mình, trạm không lưu Idaho đã đồng ý để lại số điện thoại cho ông miễn phí.
Với cái tên mới, khẩu hiệu mới và các thành viên trụ cột ngồi tại văn phòng ở Vancouver, việc kinh doanh phất như diều gặp gió. Ông cho rằng việc chở rác chẳng có gì là đáng xấu hổ. “Tôi tự hào khi dám thâm nhập vào một thị trường khó nhằn và đã chuyển hóa nó”, ông từng khẳng định. Từ đó tới nay, công ty đã mở thêm một trung tâm nghe gọi tại Sydney, Úc. Scudamore tin tưởng thị trường Úc sẽ đón nhận dịch vụ của ông vì nền văn hóa Canada và Úc có khá nhiều điểm tương đồng.
Đội ngũ nhân viên của 1-800-GOT-JUNK?
Xuất hiện trên show truyền hình của MC huyền thoại Oprah Winfrey, ông đã chia sẻ về những kỷ niệm thú vị trong nghề. Một lần, ông nhận yêu cầu dọn nhà của một gia đình, và trong bề bộn những vật dụng bỏ đi, ông tìm thấy một chiếc hộp Tiffany & Co chứa đôi hoa tai kim cương 1 carat. “Bạn sẽ ngạc nhiên với nhiều thứ chúng tôi tìm thấy”, ông hóm hỉnh nói.
Một lần khác, nhóm nhân viên của ông đã dành ra 5 ngày liền để phân loại đống rác tích trữ trong hơn 1 thập kỷ tại một nhà hàng ở Vancouver. “Giữa núi đồ nội thất cũ kỹ và những thiết bị điện tử từ năm 50, cùng đủ thứ giẻ rách, áo quần, hộp đồ ăn các loại… là một kho báu mà không ai trong số chúng tôi ngờ tới: Tờ giấy bạc ngân hàng Canada năm 1930 có giá 400.000USD. Tính theo tỷ giá hiện tại, nó có giá tới 5 triệu USD”, ông phấn khích kể.
Với đầu óc hóm hỉnh và một tầm nhìn rõ ràng, ông khẳng định 1-800-GOT-JUNK? vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Mục tiêu tiếp theo của ông là cán mốc doanh thu 1 tỷ USD và mở rộng mạng lưới tới hai quốc gia nữa. “Với công ty này, tôi biến tương lai xảy ra trong đầu mình. Tôi là trung tâm của bức tranh ấy, và tôi chắc chắn sẽ đạt được mốc đó. Không chỉ với kinh doanh, trong bất cứ lĩnh vực nào, từ thể thao tới tôn giáo, bạn đều cần có một tầm nhìn rõ ràng”, ông kết luận.