Xung đột Nga - Ukraine:

Doanh nghiệp xuất khẩu tìm cách ứng phó

TP - Xung đột Nga - Ukraine những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Ngồi trên đống lửa

“Mấy ngày liền từ sáng sớm đến nửa đêm, tôi liên tục gọi điện cho các khách hàng của Phúc Sinh tại Nga và châu Âu để hỏi thăm tình hình khách hàng, đòi tiền, giải quyết các đơn hàng... Hiện, toàn bộ các đơn hàng xuất khẩu trị giá hàng triệu USD của Tập đoàn Phúc Sinh bị dừng lại. Chiến sự Nga - Ukraine xảy ra khiến gần như cả thế giới bị ảnh hưởng”, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, nói.

Cà phê nông sản Meet More tham gia hội chợ tại Nga đầu năm 2022

Theo ông Thông, trung bình mỗi năm Phúc Sinh xuất khẩu khoảng 30 triệu USD nông sản (hạt tiêu, cà phê, điều, dừa…) sang Nga, trong đó xuất khẩu trực tiếp chiếm khoảng 10%, còn lại 90% xuất khẩu qua các đối tác thương mại như Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Đan Mạch, Đức... Từ đầu năm 2022 đến nay, sản lượng nông sản xuất khẩu của Phúc Sinh vào Nga tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. “Chúng tôi đã bán rất nhiều hàng cho khách, nhất là các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ nhưng bây giờ tất cả bị chặn đứng. Việc gửi chứng từ sang Nga đang kẹt hết lại do các ngân hàng Việt Nam không dám nhận”, ông nói.

Mặc dù gần đây mới khai thác thị trường Nga nhưng mỗi tháng, thương hiệu cà phê Meet More cũng xuất 2-3 container sang thị trường này. Tết Nguyên đán 2022, Meet More xuất 2 container các loại cà phê sang Nga, đồng thời tham gia hội chợ tại đây. Thị trường đang có tín hiệu tốt và “ăn hàng” thì xung đột Nga-Ukraine bùng phát, gây nhiều khó khăn cho nhà phân phối tại Nga. Đầu tiên là tỷ giá USD. Trước đây, 70 rúp đổi được 1 USD, hiện tại là 97 rúp “ăn” 1 USD (tăng gần 40%); tỷ giá cao khiến việc thanh toán cho đơn vị xuất khẩu gặp khó khăn. Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cũng không thể. Tất cả các hãng tàu lớn trên thế giới đều không đi đến Nga do lệnh cấm vận của nhiều nước. “Chúng tôi có đơn hàng nhưng không xuất đi được, các DN ở Nga đang nghe ngóng cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine rồi mới quyết định; còn bây giờ họ cũng đang bị ngưng trệ”, nhà sáng lập Meet More Nguyễn Ngọc Luận nói với phóng viên Tiền Phong.

Các DN xuất khẩu thủy hải sản, nông sản tươi như “ngồi trên đống lửa” vì đều là hàng đông lạnh, khó bảo quản. “Chúng tôi đang xuất khẩu xoài và một số rau củ, trái cây cấp đông sang thị trường Nga. Khi xảy ra xung đột, các chuyến bay bị ảnh hưởng nên chúng tôi không thể làm cước cũng như vận chuyển hàng hóa đến thị trường này. DN cũng không dám ký hợp đồng mới với Nga bởi quá rủi ro. Việc cấm một số ngân hàng Nga tham gia giao dịch quốc tế có thể gây ảnh hưởng đến những đơn hàng trong thời gian tới”, đại diện một đơn vị chuyên xuất khẩu nông sản ở Bình Dương cho hay.

Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), cho biết, xuất khẩu hạt điều sang Nga chiếm 1,63% tổng lượng điều xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch năm 2021 là 61,8 triệu USD. “Dù Nga không phải thị trường xuất khẩu chủ lực nhưng cũng gây tác động dây chuyền với các thị trường khác và ảnh hưởng đến giá mua điều nguyên liệu trong nước khi tháng 3 này là thời điểm thu hoạch chính”, ông Giang nhận định.

Tìm cách ứng phó

Trước những ảnh hưởng từ cuộc xung đột, Phúc Sinh tìm cách chuyển hướng. Với các đơn hàng, chứng từ chưa được gửi, DN sẽ chuyển hướng bán cho các đối tác khác. Với đơn hàng đã giao thành công nhưng bị kẹt khâu thanh toán do một số ngân hàng Nga bị loại khỏi mạng lưới SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế), Phúc Sinh và đối tác đang tìm cách giải quyết. “Đến nay, 50% đơn hàng của Phúc Sinh đã được thanh toán. Khách hàng châu Âu phần lớn rất tuân thủ cam kết, 50% còn lại cam kết hàng đến cảng sẽ dỡ hàng luôn. Từ kinh nghiệm của chúng tôi, lúc này cần dừng ngay lập tức các đơn hàng, tìm cách lôi hết hàng về. Nếu hàng đã đến Singapore thì tìm cách kéo hàng về Việt Nam, sau đó tìm cách bán đi thị trường khác. Thị trường thế giới bây giờ cũng khá dễ dàng, cho nên các DN cũng không nên quá lo lắng”, ông Thông nói.

Theo ông Luận, mặc dù Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại, tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu, nhưng thực tế vẫn còn nhiều rào cản khi triển khai. Với các DN lớn, sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng với các DN vừa và nhỏ, cần phải có lộ trình. “Đối với Meet More, chúng tôi luôn đặt mục tiêu đa dạng hóa thị trường. Còn rất nhiều thị trường tiềm năng như khu vực Trung Đông, Dubai… mà chúng ta đang bỏ sót. Nhà nước cần hỗ trợ thêm DN về vốn, thuế, phí để trợ lực DN “đem chuông đi đánh xứ người”, ông Luận nói.

Năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga tăng hơn 21%. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khuyến nghị, các DN chuyển hướng đa dạng hóa thị trường, không chuẩn bị quá nhiều hàng hóa lưu kho theo quy cách của thị trường Nga - vốn dễ tính hơn các thị trường Liên minh châu Âu (EU), Mỹ để hạn chế rủi ro tồn kho quá lâu. Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nói: “Nhiều DN trong Hiệp hội cho hay, khó xuất khẩu đi Nga trong giai đoạn này vì chưa biết thanh toán ra sao; tỷ giá hiện tại cũng ảnh hưởng đến giá cả nên không thể chốt được hợp đồng. Ngoài ra, không có tàu chở thì cũng không xuất hàng được. Vấn đề hiện nay là cần có thời gian để các DN xác định và tìm phương thức phù hợp rồi mới tính tới chuyện xuất khẩu”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, xung đột Nga - Ukraine sẽ tác động tới nền kinh tế của Việt Nam theo cả hai hướng tiêu cực và tích cực. Trong bối cảnh hàng hóa bán đi từ Nga và nhập khẩu vào Nga có nhiều trở ngại, Việt Nam có cơ hội tăng bán hàng sang thị trường này bởi hai nước có quan hệ song phương tốt đẹp. “Chắc chắn một số nơi ở Nga sẽ xảy ra hạn chế trong việc cung ứng, đồng thời nguồn cung cũng sẽ kém đi do căng thẳng chiến sự. Chính vì vậy, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sẽ tăng lên, đặc biệt về nông sản, hải sản, hàng hóa tiêu dùng, hàng điện tử”, TS Hiếu nhận định.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Nga sẽ không ảnh hưởng quá nhiều nếu DN Việt tạm dừng xuất khẩu sang Nga. Hàng Việt ngày càng được thị trường quốc tế công nhận, chất lượng, thương hiệu ngày càng phổ biến trên thị trường thế giới. DN có thể tận dụng CPTPP đã có hiệu lực, EVFTA, hiệp định song phương Việt Nam - Vương quốc Anh, quan hệ trong ASEAN rất tốt… để bán hàng Việt Nam. “Hiệp định thương mại chính là cơ sở để chúng ta mở rộng thị trường. Đúng là trong giai đoạn này, chúng ta phải tận dụng các hiệp định nhưng DN cũng phải chấn chỉnh lại bản thân, tăng cường tính tuân thủ luật pháp quốc tế; chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh, giao dịch, những quy định về môi trường, chế biến thực phẩm… để đi được vào nhiều thị trường hơn”, ông Hiếu nói.