Những ngày gần đây, chuỗi siêu thị Hải sản Hoàng Gia liên tục đỏ lửa cho những mẻ cá kho chuẩn bị ra lò. Bà Phan Sắc Cẩm Ly, đại diện đơn vị này cho hay: “Chúng tôi chuyên cung cấp sỉ hải sản cho hơn 2.000 nhà hàng, khách sạn khắp cả nước. Đang kinh doanh ổn định thì dịch bùng lên nhiều nơi, kênh phân phối sỉ giảm hơn 80%. Để duy trì hoạt động và có thể “nuôi quân”, chúng tôi đẩy mạnh bán lẻ và tập trung vào khâu chế biến món cá kho, giao hàng tận nhà cho khách”.
Cá được chọn là phần ngon nhất của cá chép, thời gian kho từ 36-48 giờ đồng hồ, giá bán mỗi thố cá dao động từ 299.000-499.000 đồng. Theo bà Ly, việc chuyển hướng kinh doanh này đúng lúc Thành phố giãn cách, nhiều người ngại ra đường nên thường mua online. Việc bán mang về hải sản tươi sống có kèm cả dịch vụ chế biến sẵn mang lại hiệu quả tốt. “Lượng khách đặt trước cá kho cho ngày tới là hơn 100 thố. Nhờ chuyển đổi mô hình đúng thời điểm, chúng tôi vẫn đủ khả năng “nuôi quân”, tiếp tục duy trì kinh doanh trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh” – bà Ly chia sẻ.
Chào hàng những sản phẩm “quen mà lạ” cũng được nhiều DN tung ra trong mùa dịch. Ông Hứa Ngọc Lâm – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Thương mại Đại Phát cho biết, vừa hoàn thiện nghiên cứu món bánh ú tro theo khẩu vị truyền thống của người Việt hướng đến tiêu chí an toàn sức khỏe, phù hợp với người cao tuổi, người tiểu đường…
"Chúng tôi lấy lợi thế là sản xuất tại nhà máy lớn với tiêu chuẩn xuất khẩu tại châu Âu, Nhật Bản. Dù mới được giới thiệu, phản ứng thị trường đã rất tốt với lượng đơn hàng đặt trước rất cao. Đây cũng là một trong những cách giúp DN tăng doanh thu trong bối cảnh lượng đơn hàng sụt giảm vì đại dịch.” – đại diện DN cho biết.
DN sản xuất thủ công mỹ nghệ cũng nhanh nhạy “xoay mình” trong đại dịch. Nếu trước đây chú trọng thị trường xuất khẩu thì cơ sản xuất thủ công mỹ nghệ mây tre lá Tư Quyết (H. Củ Chi, TPHCM) gần đây đẩy mạnh thị trường trong nước, tiếp thị sản phẩm qua kênh online. Ông Lê Văn Quyết, chủ cơ sở chia sẻ đã thay đổi nhiều mẫu mã theo nhu cầu, sở thích của khách hàng trong nước.
“Những sản phẩm mây tre lá hướng đến tiêu dùng xanh, khách hàng không chỉ mua để trưng bày, làm đồ trang trí mà còn có thể thay thế những vật dụng từ nhựa. Chúng tôi còn sản xuất cả giỏ xách, túi, ví làm đồ thời trang cho các chị em. Hiện những mặt hàng này đều được khách trong nước ưa thích và tiêu thụ tốt” – ông Quyết bày tỏ.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TPHCM nhìn nhận, giai đoạn này, không chỉ DN nhỏ mà cả DN lớn cũng tái cấu trúc đơn vị của mình, thay đổi cách thức kết nối với khách hàng, thay đổi cách marketing, cách thức vận chuyển, giao hàng... Đây chính là cách duy trì sản xuất cũng như tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong mùa dịch.
“Trong bối cảnh vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, DN rất cần thiết phải thay đổi để thích ứng trước tình hình hiện tại. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đòi hỏi các DN, đơn vị kinh doanh nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, linh động thay đổi để biến nguy thành cơ, đẩy mạnh sự phát triển của đơn vị mình theo những cách riêng…” – ông Phạm Ngọc Hưng chia sẻ.
Khi lĩnh vực du lịch tiếp tục “đóng băng” trong làn sóng COVID-19 lần thứ 4, anh Minh Hùng – Giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành ở quận Tân Bình phải tìm cách khác để cầm cự. “Tôi nhờ người nhà ở An Giang gửi các loại khô, mắm lên Sài Gòn để buôn bán online. Lúc đầu tôi phân thành những túi khô nhỏ, bao gói cẩn thận để tặng khách hàng thân thiết, vừa để chào hàng vừa giữ mối khách tiềm năng cho những tour du lịch sau dịch. Dùng thử thấy ngon, khách đặt hàng dần tăng lên. Tôi huy động thêm nhân viên cùng đẩy mạnh kênh kinh doanh “trái tay” để cầm cự qua dịch” – anh Hùng bày tỏ.