Doanh nghiệp ngoại cầm trịch nhiều lĩnh vực

TP - Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế do Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương công bố ngày 12-12 cho thấy nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, phân phối tại Việt Nam đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại hoặc họ đang chiếm thị phần lớn.

> Những dự báo ‘sai bét’ về kinh tế thế giới 2012
> Công bố Báo cáo cạnh tranh 10 lĩnh vực kinh tế

Nhiều rào cản

Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, các lĩnh vực được lựa chọn điều tra lần này gồm phân phối dược phẩm, bảo hiểm nhân thọ, truyền hình trả tiền, vận tải biển, quảng cáo, ô tô tải, bột giặt, giấy, dầu thực vật, kính xây dựng.

Với các lĩnh vực sản xuất ô tô tải, giấy, kính xây dựng, bột giặt và dầu thực vật đều là các ngành công nghiệp có quy mô thị trường tương đối lớn, tiềm năng và đều đòi hỏi về công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và tiềm lực tài chính.

Dù đã được mở cửa mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp gia nhập mới rất ít, thậm chí còn giảm đi như trong lĩnh vực giấy, kính xây dựng. Rất ít doanh nghiệp mặn mà đầu tư vào sản xuất ô tô tải, giấy, kính do những vấn đề liên quan đến chính sách của Việt Nam.

Kết quả khảo sát cho thấy, những rào cản chính với 5 lĩnh vực nói trên chính là các mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho các sản phẩm thành phẩm và nguyên liệu đầu vào. Các rào cản này đã làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất với sản phẩm cùng loại nhập khẩu.

Cụ thể như thuế suất ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN) đối với dầu nguyên liệu và dầu thực vật thành phẩm áp dụng từ đầu năm 2012, hay việc cắt giảm thuế suất của ô tô theo lộ trình AFTA (giảm về mức 0-5% vào năm 2018) đã làm giảm sự cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất.

Theo ông Mừng, năm lĩnh vực kinh doanh khác là phân phối dược phẩm, vận tải biển, bảo hiểm nhân thọ, quảng cáo và truyền hình trả tiền thì số lượng các chủ thể tham gia thị trường khá đông và liên tục gia tăng.

Tuy nhiên, chiếm các vị trí dẫn đầu thị trường lại thường là những doanh nghiệp nước ngoài. Điều này thấy rất rõ trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp nước ngoài đều ở vị trí dẫn đầu, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có Bảo Việt.

Tương tự trong lĩnh vực vận tải biển và quảng cáo, các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cũng là các doanh nghiệp nước ngoài hoặc đều là công ty con/chi nhánh của các tập đoàn lớn trên thế giới trong hai lĩnh vực này.

Trong hai lĩnh vực này hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều làm nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp nước ngoài do tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực, trình độ quản lý và kinh nghiệm đều chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, với lĩnh vực phân phối dược phẩm, báo cáo có đề cập tình trạng các doanh nghiệp nội địa cạnh tranh ngày càng gay gắt trong một thị phần hẹp của một số loại thuốc giống nhau.

Điều đó cho thấy ở đây có rào cản về kỹ thuật, công nghệ. Do hạn chế về công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thế sản xuất một số dòng sản phẩm thông thường nhất định. Việc bó hẹp trong một thị phần nhỏ như vậy sẽ làm giảm khả năng lợi nhuận và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

“Chính sách của Việt Nam bấy lâu đối xử giống nhau giữa hai dòng xe dân dụng và xe tải là thiếu tính hợp lý và thực tiễn. Trong khi chúng ta có thể hạn chế sử dụng xe cá nhân (mà đúng ra chỉ nên áp dụng đối với khu vực nội thị ở các thành phố lớn) thì việc áp dụng cách tiếp cận tương tự đối với xe tải là sai lầm. Việc khuyến khích phát triển thị trường nội địa cho dòng xe ô tô tải phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ là cần thiết”- Ông Cung nói.

Theo Báo giấy