Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019:

Doanh nghiệp “hiến kế”

TP - Doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam mong muốn Chính phủ cần có giải pháp chiến lược phát triển kinh tế trong giai đoạn 2035-2040. Đồng thời mong muốn được Chính phủ đối xử bình đẳng, không để hình ảnh doanh nghiệp tư nhân bị bóp méo.
Vinfast được kỳ vọng sẽ đưa thương hiệu ô tô Việt ra thế giới. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Doanh nghiệp nội hiến kế về nhân lực, vốn

Tại phần hiến kế, đề xuất của khu vực KTTN, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, phát triển định hướng quy hoạch của ngành đến năm 2020 không còn phù hợp, cần giải pháp chiến lược để thực hiện phần cung thiếu hụt. Do đó, cần định hình giải pháp chiến lược giai đoạn 2035-2040; chính sách thuế VAT với các dự án đầu tư cần hợp lý hơn để khuyến khích đầu tư của các DN vào phần cung thiếu hụt. Ngoài ra, Việt Nam đang phải nhập khẩu cực lớn phần cung thiếu hụt.

“Chúng ta cần phát triển các khu công nghiệp để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm. Quốc hội nên xem xét lại luật hiệp hội bởi đây là DN chứ không phải tổ chức. Liên quan đến vai trò của Chính phủ trong chiến lược phát triển nguồn lực, cần đào tạo đội ngũ kỹ sư ngành hoá nhuộm vì chúng ta đang rất thiếu", ông Giang đề xuất.

Là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet Air kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn KTTN có tiềm lực được tham gia. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân này cũng mong được đối xử bình đẳng, công bằng, không để hình ảnh DN TN bị bóp méo ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những DN tiên phong.

Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast đề xuất cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ KTTN đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cho phát triển KTTN.

Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Hải (THACO) kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội trong năm nay về chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước, nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và giảm giá thành.

Ngoài ra, đại diện THACO cũng nhận xét tiếp cận tín dụng rất khó khăn do nông nghiệp quy mô lớn bị xem là nhiều rủi ro. Ông Phạm Văn Tài bày tỏ mong muốn Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xem xét có chính sách hỗ trợ tín dụng chung cho nông nghiệp và hỗ trợ cho thị trường xuất khẩu nông sản nói riêng.

DN ngoại lo ngại về thuế, thủ tục hành chính rườm rà

Ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ quan ngại về tính dự báo của chính sách pháp luật Việt Nam còn thấp, phía DN không thể ứng phó kịp thời, dẫn đến tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, khó có thể dự kiến được lịch làm việc. Đây là yếu tố cản trở hoạt động đầu tư liên tục của doanh nghiệp. Ông mong Chính phủ sẽ có giải pháp phù hợp.

Đại diện cho cộng đồng DN Hàn Quốc, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) chia sẻ, để thu hút đầu tư công nghệ cao của các DN FDI vào Việt Nam, bắt buộc các bộ luật và thể chế của Việt Nam phải có một số cải cách cần thiết. Ông Hong Sun tin rằng, bây giờ là thời điểm thích hợp để Chính phủ Việt Nam đưa ra các ưu đãi mới và táo bạo về chính sách, mang lại sức sống cho các ngành công nghiệp đầy triển vọng trong tương lai như xe điện và năng lượng mặt trời. Một vấn đề khác mà ông Hong Sun quan ngại là sự không nhất quán trong ưu đãi thuế.

Ông Tomaso Andreatta, đại diện EuroCham hoan nghênh việc Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các yêu cầu về thủ tục hành chính. Theo ông, các vấn đề kiểm định theo lô trong ngành công nghiệp ô tô, Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động nước ngoài, tính nhất quán trong pháp lý đối với mặt hàng thiết bị y tế và quy trình thủ tục hải quan, đã và đang đặt ra những thách thức cho các công ty châu Âu. Nếu được giải quyết, những vấn đề này sẽ góp phần cải thiện đáng kể môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, biến Việt Nam trở thành một điểm đến kinh doanh hấp dẫn.

Còn theo ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN đề nghị, khi xác định sân chơi toàn cầu, Việt Nam cần chủ động tham gia xây dựng và triển khai luật chơi quốc tế.