Đồ trang sức 50.000 năm tuổi làm từ vỏ trứng đà điểu

Các nhà khảo cổ Nga phát hiện bộ trang sức 50.000 năm tuổi làm từ vỏ trứng đà điểu tại một hang động ở Siberia.
Đồ trang sức làm từ vỏ trứng đà điểu được tìm thấy tại Siberia, Nga. Ảnh: Siberian Times.

Nhóm khảo cổ tại Viện Khảo cổ và Dân tộc học, Novosibirsk, Nga, phát hiện bộ trang sức có niên đại từ thời kỳ Đồ đá cũ cách đây 50.000 năm làm từ vỏ trứng đà điểu ở hang Denisova, thuộc dãy núi Altai, vùng Siberia, Nga, International Business Times hôm 1/11 đưa tin.

Đồ trang sức được tạo ra bằng cách khoan một lỗ xuyên qua mảnh vỏ trứng nhỏ hình tròn. Chúng có thể là các hạt nằm trên một chuỗi vòng cổ, vòng đeo tay hoặc dùng để đính vào quần áo. Theo Siberian Times, các mảnh vỏ trứng có kích thước khá đồng đều với bề rộng chưa đến một centimet, ở giữa là một lỗ chỉ rộng khoảng một milimet.

"Nhóm chúng tôi khá vui mừng khi tìm thấy các vật thể này. Vỏ trứng đà điểu là vật liệu khá cứng, do đó những lỗ nhỏ trên mảnh vỏ trứng phải được tạo ra bằng một khoan đá sắc bén", Maksim Kozlikin, thành viên của nhóm khảo cổ, nói.

Phát hiện này cho thấy, người tiền sử sống trong thời kỳ Đồ đá cũ đã phát triển kỹ năng khéo léo trước khi bước sang thời kỳ Đồ đá mới, bắt đầu khoảng 12.000 năm trước.

Vỏ trứng tinh xảo như trên cũng từng được tìm thấy tại hang động Border Cave, Nam Phi. Chúng có niên đại khoảng 44.000 năm tuổi và mang một số điểm tương đồng với các hạt ở hang Denisova. 

Hang Denisova có nhiệt độ trung bình năm là 0 độ C, giúp bảo quản tốt các đồ tạo tác của con người và hóa thạch. Người Neanderthal, Denisova và Homo sapiens đã sử dụng hang động này trong khoảng thời gian ít nhất là 288.000 năm. Giới khảo cổ tiến hành nhiều cuộc khai quật tại hang động trong suốt 30 năm qua.

Theo Theo VnExpress