Đô đốc Mỹ kể về 48 phút đột kích diệt Bin Laden

Các tướng lĩnh Mỹ lo sợ quân đội và cảnh sát Pakistan tưởng lầm đặc nhiệm SEAL là lực lượng xâm lược và sẽ tấn công.
Đô đốc hải quân Mỹ William "Bill" McRaven. Ảnh: USNI

Trong cuộc phỏng vấn với CNN hồi tuần trước nhân dịp 5 năm trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích ngày 2/5/2011 ở Pakistan, Đô đốc William "Bill" McRaven cho biết ông đã trải qua những giờ phút "dài nhất cuộc đời" khi tham gia chỉ đạo cuộc tấn công đó.

Sau khi nắm được các thông tin tình báo về nơi trú ẩn của bin Laden tại một tòa nhà ở Abbottabad, thành phố phía bắc Pakistan, các quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có McRaven, nhanh chóng lên kế hoạch thực hiện phương án đột kích.

Là người thiết kế chiến dịch, Đô đốc McRaven hiểu rằng lựa chọn duy nhất là điều trực thăng đưa lính đặc nhiệm Mỹ từ căn cứ không quân ở Jalalabad, nằm cách không xa đường biên giới Pakistan, tới thẳng mục tiêu.

Một cuộc tấn công bằng trực thăng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng không lớn như phương án nhảy dù hoặc dùng xe tải. Nguy cơ lớn nhất đến từ tiếng động phát ra từ động cơ trực thăng, tuy nhiên McRaven tính toán rằng đối phương sẽ không nghe thấy tiếng trực thăng trước khi nó ra khỏi dãy núi bao quanh Abbottabad. Như vậy, lính gác của bin Laden chỉ có thể phát hiện ra tiếng trực thăng khoảng hai phút trước khi chúng tới mục tiêu, đủ để đảm bảo yếu tố bất ngờ.

Đô đốc McRaven không hề muốn các đặc nhiệm SEAL của mình phải mở đường máu để thoát ra khỏi Pakistan sau vụ đột kích. Ông hiểu rõ rằng việc để lính Mỹ đọ súng với quân đội hay cảnh sát Pakistan sẽ gây ra những rắc rối chính trị nghiêm trọng. Tòa nhà của bin Laden nằm rất gần một trường huấn luyện quân sự và đồn cảnh sát Pakistan, khiến các lực lượng này rất dễ nhầm tưởng rằng đặc nhiệm Mỹ là một đội quân xâm lược và sẽ tấn công chống trả.

Khi McRaven nêu băn khoăn này với Tổng thống Barack Obama, Tổng thống tuyên bố rằng ông có thể chấp nhận được một cuộc đọ súng giữa lính Mỹ với phía Pakistan, tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh yêu cầu phải đưa đặc nhiệm Mỹ trở về an toàn.

Với chỉ đạo đó từ Tổng thống Obama, ông McRaven thành lập một đội trực thăng và lực lượng phản ứng nhanh ở ngay biên giới Afghanistan, để nếu có giao tranh xảy ra, đặc nhiệm SEAL có thể nhanh chóng tìm đường rút qua biên giới.

Tòa nhà nơi bin Laden trú ẩn tại Abbottabad. Ảnh: Telegraph

Rất may là cuộc đột kích đã diễn ra đúng như kế hoạch ban đầu, dù một chiếc trực thăng Black Hawk bị đâm xuống đất khi áp sát mục tiêu. Khi nghe chỉ huy chiến dịch báo về cụm từ "Geronimo", ám chỉ việc bin Laden đã bị bắt hoặc bị tiêu diệt, McRaven đã lập tức hỏi lại: "Hắn ta bị bắt hay bị giết? Có phải Geronimo EKIA (bị giết trong lúc giao tranh) không?" Người chỉ huy ở hiện trường xác nhận: "Đúng vậy. Geronimo EKIA".

Đô đốc McRaven cho biết đặc nhiệm Mỹ không nhận lệnh tiêu diệt bin Laden ngay lập tức như nhiều người lầm tưởng. Nếu tên trùm khủng bố được xác nhận không phải là một mối đe dọa, giơ hai tay lên trời và không mặc áo khoác gài bom, họ có thể bắt sống ông ta và đưa tới một căn cứ ở Bagram. Tuy nhiên, họ có thể nổ súng nếu lo ngại rằng bin Laden mặc một chiếc áo khoác gài bom.

Đô đốc này tin rằng toàn bộ thời gian đặc nhiệm Mỹ thực hiện chiến dịch tại mục tiêu chỉ chưa đầy nửa giờ. Lúc mật hiệu "Geronimo" được truyền về, chiến dịch mới diễn ra khoảng 18 phút. "Lúc đó tôi nhìn đồng hồ, và theo dõi những gì diễn ra quanh khu nhà. Chúng tôi có một chiếc trực thăng bị rơi, và người Pakistan cũng bắt đầu nhận ra có gì đó không ổn ở Abbottabad. Bạn có thể hình dung họ đang tìm cách đối phó như thế nào", McRaven nhớ lại.

Tuy nhiên sau khi tiêu diệt xong bin Laden, đặc nhiệm SEAL xuống tầng hai và phát hiện nhiều tài liệu, ổ cứng máy tính có giá trị tình báo rất lớn. Họ lập tức hối hả thu thập tất cả, dù thời gian không còn nhiều.

Chiếc trực thăng Mỹ đâm xuống tường rào trong cuộc đột kích. Ảnh: AP

Sau khoảng 40 phút, McRaven trở nên lo lắng. "Này, lấy tất cả những gì có thể, nhưng đã đến lúc gói ghém và rời khỏi Abbottabad rồi đấy", ông nói với chỉ huy ở hiện trường. Đến khi trực thăng cất cánh, đội đặc nhiệm đã hiện diện tại Abbottabad 48 phút.

Lúc đó không quân Pakistan đang có hai chiếc tiêm kích F-16 tuần tra trên bầu trời, dù họ không biết trước về cuộc đột kích. McRaven không quá lo lắng về những tiêm kích này, vì phi công Pakistan có khả năng bay đêm hạn chế, nhưng ông không thể loại trừ khả năng chúng đang truy tìm những chiếc trực thăng chở đặc nhiệm SEAL.

Trên đường bay về, trực thăng Mỹ phải dừng lại 19 phút trên lãnh thổ Pakistan để tiếp thêm nhiên liệu. "Đó có lẽ là 19 phút dài nhất trong cuộc đời của tôi", McRaven nhớ lại.

Theo Theo VnExpress