Điều kiện tiên quyết khi Việt Nam tái khởi động điện hạt nhân

TPO - Theo ông Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, khi chúng ta khởi động lại dự án điện hạt nhân cần tập hợp nhân lực đã được  đào tạo trước đây để tiếp tục đào tạo lại và bổ sung nâng cao. Với khối lượng công việc khó và đồ sộ của dự án điện hạt nhân thì cần phải khẩn trương chuẩn bị sớm.

Thời điểm phù hợp

Một trong những điểm đáng chú ý trong Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp lần này việc Nhà nước độc quyền đầu tư dự án điện hạt nhân. Thường trực Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu lại dự án điện hạt nhân sau gần chục năm tạm dừng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, người từng tham gia lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 - cho rằng việc khởi động lại dự án vào thời điểm này rất hợp lý.

Việt Nam đặt mục tiêu khởi động dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận vào năm 2010 nhưng dừng lại năm 2016, chủ yếu là do vấn đề tài chính. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác, cả thế giới đang trong vòng quay giải quyết vấn đề carbon, điện sạch, do đó nhiều quốc gia đang quay lại phát triển điện hạt nhân và xem đây là xu hướng để đảm bảo cung cấp nguồn điện sạch, tin cậy và ổn định, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Việt Nam đặt mục tiêu net zero vào năm 2050 và hiện có vị thế, tiềm lực tốt hơn, có thể chủ động được nguồn lực và có nhiều phương án để huy động vốn nếu chúng ta quyết tâm làm.

Ông Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Theo ông Thành, xét về chi phí đầu tư, điện hạt nhân thường cao hơn so với những nguồn năng lượng khác như điện than hoặc khí. Song chi phí vận hành dài hạn sẽ thấp hơn; hiệu suất năng lượng cao hơn; đặc biệt điện hạt nhân có thể hoạt động ổn định và cung cấp điện liên tục, lâu dài cho hệ thống điện quốc gia.

Trên thế giới, bình quân suất đầu tư điện hạt nhân hiện dao động ở mức khoảng 5.000 USD/kW. Tuy nhiên, một số nước triển khai nhiều dự án điện hạt nhân, thời gian gần đây cho thấy nếu quản lý dự án tốt (đúng tiến độ) và mức độ tham gia của các công ty trong nước vào dự án, nội địa hoá được thiết bị với tỷ lệ cao, giá thành đầu tư sẽ giảm xuống. Ví dụ Nga, Hàn Quốc hay Trung Quốc, mức đầu tư cho điện hạt nhân chỉ khoảng 3.000-3.500 USD/kW.

Với Việt Nam, ông Thành cho rằng, doanh nghiệp trong nước có thể tham gia làm được một số hạng mục như xây dựng, lắp đặt, cung cấp vật tư, vật liệu, thiết bị, có lợi thế nhân công rẻ …

"Như Tập đoàn PVN, trước đây từ phụ thuộc công nghệ nước ngoài, nhưng giờ có thể tự chủ thiết kế và lắp đặt được những giàn khoan tự nâng 90-120m nước. Vấn đề là huy động và sử dụng ra sao các nguồn lực, đặc biệt khi xây dựng dự án cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ, toàn diện, tránh trường hợp kéo dài thời gian khiến dự án đội vốn, bài học này đã xảy ra ở Phần Lan, Pháp, Mỹ...", ông Thành nói.

Con người là yếu tố quyết định

Theo Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, điện hạt nhân là lĩnh vực khó và đa ngành, đòi hỏi trình độ khoa học, kỹ thuật cao. Từ khâu thiết kế đến kỹ thuật, công nghệ, hay xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa công trình vào kết nối, vận hành, và cả nhiệm vụ xây dựng hạ tầng pháp quy hạt nhân đều cần những chuyên gia xuất sắc. Việc nghiên cứu để nắm rõ công nghệ, an toàn hạt nhân cũng là những nhiệm vụ khó đòi hỏi thời gian dài mới có năng lực tốt và chuyên gia giỏi.

Việt Nam hiện thiếu nhân sự trong lĩnh vực này nhưng không phải không có gì. Trước đây, Chính phủ đã xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân bằng cách đào tạo tại các trường đại học trong nước, hoặc gửi ra các nước tiên tiến.

Theo chuyên gia, cần sớm tái khởi động chương trình đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân để đáp ứng yêu cầu. Ảnh: Trong Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Thời điểm đó, hàng trăm cán bộ, sinh viên được đào tạo chuyên ngành dài hạn ở Nga, và tập huấn ngắn hạn ở Nhật Bản, Pháp, Hungary nhằm chuẩn bị một đội ngũ chuyên môn bước đầu đủ về số lượng cần thiết có thể tham gia vào quá trình xây dựng và vận hành nhà máy. Riêng Nhật Bản đã bắt đầu đào tạo cho EVN một đội ngũ cán bộ khung của nhà máy Ninh Thuận số 2.

Nhiều người trong số đó được tiếp tục đào tạo để trở thành những cán bộ đủ năng lực tham gia trực tiếp phục vụ xây dựng và vận hành hai nhà máy đầu tiên ở Ninh Thuận (nếu dự án không dừng lại).

“Khi chúng ta khởi động lại dự án cần tập hợp nhân lực đã được đào tạo để tiếp tục đào tạo lại và bổ sung, nâng cao; đào tạo tiếp các cán bộ, đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên giỏi, phân loại những đối tượng đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Chúng ta cần Ban chỉ đạo của Nhà nước về dự án, có những nhà quản lý giỏi chuyên môn về điện hạt nhân để điều hành.

Đặc biệt, phải từng bước xây dựng được đội ngũ những người làm pháp quy hạt nhân giỏi về trình độ và có kinh nghiệm thực tế, những người này có thể gửi đi học, làm việc thực tế tại các nhà máy điện hạt nhân của các nước để hiểu biết sâu sắc về vấn đề an toàn, dự báo được những nguy cơ gì có thể xảy ra và từ đó xây dựng được quy định để luôn luôn đảm bảo an toàn khi các nhà máy điện hạt nhân vận hành”, ông Thành bày tỏ.

Sau sự cố Fukushima, công nghệ ngày càng khắt khe

Với một quốc gia khi bắt tay vào xây dựng điện hạt nhân, dư luận thường quan tâm đến tính an toàn, nhất là sau những sự cố tại nhà máy Fukushima (Nhật Bản) vào năm 2011.

Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, hiện nay trên thế giới có 62 nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng, vận hành; tất cả đều đáp ứng các tiêu chí an toàn khắt khe nhất được đưa ra sau vụ Fukushima.

Công nghệ nhà máy điện hạt nhân ngày càng hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn khắt khe nhất hiện nay. Ảnh: KYODO.

Được biết, đối với nhà máy số 1 Ninh Thuận, trước đây Việt Nam đã khẳng định sẽ lựa chọn công nghệ VVER1200 hiện đại nhất thế hệ III+ của Nga. Dự án số 2 cũng đưa ra hai ứng viên công nghệ lò áp lực mới nhất thế hệ III+ do Nhật Bản hợp tác với Pháp thiết kế (ATMEA1), hoặc liên danh thương mại với Mỹ (AP1000).

Theo Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, điện hạt nhân còn liên quan đến nhiều lĩnh vực như vật lý hạt nhân, cơ học dòng chảy, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa học, đo lường điều khiển, vật liệu thép, hợp kim… Nếu Việt Nam phát triển thành công điện hạt nhân không những giải quyết bài toán đáp ứng nhu cầu điện năng tăng nhanh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn góp phần đưa khoa học công nghệ, công nghiệp của đất nước phát triển lên tầm cao mới.

"Khối lượng công việc của một dự án điện hạt nhân rất lớn, các nhiệm vụ đặt ra trước mắt (sau khi có chủ trương của Đảng và Chính phủ) là rất khó nhưng nếu quyết tâm và có mục tiêu, lộ trình rõ ràng chúng ta sẽ triển khai thực hiện thành công”, ông Thành khẳng định.