Điệp viên ngoại cảm - Chương trình bất khả thi của CIA
Vào thập niên 70 và 80 thế kỷ XX, Cục Tình báo trung ương (CIA) và Cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA) của Mỹ sử dụng một số nhà ngoại cảm trong chương trình gián điệp thử nghiệm để xác định khả năng sử dụng công năng ngoại cảm vào mục đích "gián điệp từ xa".
Từ dự án ban đầu do CIA chủ trì, sử dụng tất cả 3 loại công năng ngoại cảm (gồm thần giao cách cảm, cách không khiển vật và thấu thị), nhưng về sau, chỉ còn công năng thấu thị (remote viewing) được chọn thử nghiệm, vì loại công năng này rất phù hợp với yêu cầu số 1 của ngành tình báo: nhìn thấu những bí mật của đối thủ từ khoảng cách xa ngàn dặm. Rốt cuộc, chương trình không đi đến đâu và đã buộc phải chấm dứt từ năm 1995, nhưng sau đó thỉnh thoảng nó vẫn được sử dụng lại.
Dự án triệu đô "Star Gate"
“Star Gate” là mật danh đặt cho một chương trình nghiên cứu gián điệp ngoại cảm bao gồm nhiều tiểu dự án khác nhau, trong đó có những dự án do CIA, DIA và cả Bộ chỉ huy Tình báo và An ninh quân đội (INSCOM) thực hiện trong suốt khoảng thời gian dài hàng chục năm. Tất cả đều cùng chung mục đích là "nhìn từ xa" những thông tin, hình ảnh mà các biện pháp gián điệp thông thường chịu bó tay.
Các cựu điệp viên, những người từng tham gia chương trình “Star Gate” đều đã viết nhiều cuốn sách về chương trình này nhằm giúp mọi người có cái nhìn đầy đủ và cụ thể hơn về cái gọi là chương trình gián điệp ngoại cảm - một thuật từ nghe sặc mùi tâm linh, huyền bí. Trong đó, một báo cáo của cựu điệp viên CIA Kenneth A. Kress cung cấp cái nhìn đầy đủ nhất của người trong cuộc về chương trình nghiên cứu gián điệp đặc biệt này. Cần biết, Kress từng làm việc trong Văn phòng Phục vụ kỹ thuật (OTS) và được giao điều phối hoạt động hàng ngày của chương trình “Star Gate”.
Theo báo cáo của Kress, dự án đầu tiên của chương trình “Star Gate” được khởi động vào khoảng năm 1974, do một nhóm sĩ quan CIA xây dựng nên tại Tổng hành dinh CIA ở Langley, bang Virginia, nhưng vấn đề gián điệp ngoại cảm thì có lẽ ra đời từ hàng chục năm trước, còn việc CIA quan tâm nghiên cứu tình báo ngoại cảm có thể bắt đầu vào đầu thập niên 60 thế kỷ XX, với một dự án mang mật danh MKULTRA.
Kress cho biết, Học viện Nghiên cứu Stanford (SRI), đóng tại California, là nơi khởi phát chương trình “Star Gate” cho CIA, trong đó 2 nhà vật lý học nổi tiếng nhất của SRI là Russell Targ và Harold Puthoff là những người đóng vai trò chính.
Mục tiêu đầu tiên của dự án “Star Gate” là một trung tâm nghiên cứu khoa học bí mật của Liên Xô đặt tại nước Cộng hòa Kazakhstan, mà CIA gọi bằng mật danh là URDF-3 (Unidentified Research and Development Facility Number-3, tức Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển không xác định số 3).
Người tham gia tích cực và quan trọng nhất trong dự án ban đầu này là nhà ngoại cảm Pat Price. Price được cung cấp thông tin về tọa độ địa lý của mục tiêu. Sau khi "nhập tâm", Price bắt đầu mở công năng tìm kiếm và sau đó mô tả lại đã nhìn thấy một "hệ thống cẩu khổng lồ". Về sau, một sĩ quan CIA khi phân tích hình ảnh thám báo về trung tâm URDF-3 đã phải kêu lên thán phục vì sự mô tả của Price chính xác đến từng chi tiết nhỏ.
Và thành công ban đầu đó của Price đã mở ra thời kỳ của các “điệp viên ngoại cảm". Văn phòng OTS của CIA chấp nhận chi tiền mạnh tay, tổng cộng 750 nghìn USD cho dự án “Star Gate”, với Price là át chủ bài. Tuy nhiên, không lâu sau thành công ban đầu đó của Price, dự án “Star Gate” dường như dẫm chân tại chỗ, với kết quả thu được rất ít ỏi.
Thêm vào đó, CIA lại đang hứng chịu dư luận chỉ trích mạnh mẽ do vai trò trong vụ bê bối nghe lén Watergate làm tiêu tan sự nghiệp chính trị của Tổng thống Richard Nixon, từ đó làm cho ban lãnh đạo CIA không còn tâm trạng nào để đầu tư cho "tình báo ngoại cảm". Mặc dù vậy, với vai trò xúc tiến mạnh mẽ của Kress, “Star Gate” vẫn tiếp tục.
Thành công nổi tiếng nhất của Price là vào mùa hè năm 1973, Price được yêu cầu sử dụng công năng ngoại cảm "thấu thị" của mình để kiểm tra các vị trí tọa độ ở bang Virginia. Mục tiêu là một khu nhà nghỉ mát dành cho nhân viên CIA. Thế nhưng, Price không mô tả khu nhà nghỉ mát mà đưa ra một hệ thống nhà kho lưu trữ khổng lồ dưới lòng đất, giống như một vị trí tên lửa, có cả nhân sự và hệ thống thông tin tín hiệu, một tủ đựng hồ sơ chứa nhiều tập hồ sơ, có cả nhiều viên bi. Sau đó, Kress xác nhận: những mô tả của Price là hoàn toàn chính xác.
Tuy nhiên, vào tháng 7-1975, trong khi đang thực hiện một nhiệm vụ "thấu thị" để khảo sát một cơ sở ở Libya mà người Mỹ nghi là dùng để huấn luyện khủng bố, Price bất ngờ lên cơn đau tim và chết đột ngột. Cái chết bất ngờ này khiến cho CIA mất đi quân át chủ bài. Đồng thời, những tranh cãi trong Quốc hội xung quanh dự án tình báo ngoại cảm đã buộc CIA không còn cách nào khác hơn là phải dừng chương trình.
Tình báo ngoại cảm thành công đến mức nào?
Tình báo ngoại cảm thực ra không phải là mới, nó đã từng được sử dụng trong các cuộc chiến tranh trên thế giới từ năm 1919, khi đó một binh sĩ Tiệp Khắc đã bị thôi miên và yêu cầu sử dụng năng lực ngoại cảm để thu thập thông tin về quân đội Hungary. Trong Thế chiến II, phát xít Đức cũng từng lập một bộ phận chuyên trách về gián điệp ngoại cảm, có tên gọi là Cục Ngoại cảm, nhằm mục đích kiểm soát tinh thần đối phương từ xa.
Trước khi cho thành lập Cục Ngoại cảm, Hitler và các bộ tướng đã được một tổ chức bí mật có tên là Thule đào tạo các kỹ năng ngoại cảm kiểm soát ý thức người khác. Ở phía quân Đồng minh, tình báo Anh, Mỹ cũng không chịu lép vế, sử dụng tình báo ngoại cảm để "truyền dẫn" những thông điệp huấn dụ đối với bọn phát xít Đức.
Chưa dừng lại đó, tình báo Đồng minh còn sử dụng công năng thấu thị để thu thập thông tin về các vị trí quan trọng bên trong phòng tuyến của đối phương. Sau Thế chiến II, Học viện Tâm lý của Liên Xô đã bắt đầu nghiên cứu khả năng ứng dụng công năng ngoại cảm, chẳng hạn như thôi miên từ xa,…
Việc sử dụng công năng ngoại cảm thấu thị cho mục đích gián điệp nếu quả thực mang lại kết quả hoàn toàn như ý muốn thì chắc có lẽ CIA đã có trong tay một công cụ tình báo vô cùng lợi hại, không cần phải sử dụng đến nhiều phương tiện kỹ thuật tiên tiến, kể cả việc cài cắm người làm nội gián hay bỏ tiền ra mua chuộc những điệp viên hai mang.
Thành công cũng có, nhưng thường thì độ chính xác không nhiều. Vả lại, cái chết của "điệp viên ngoại cảm" Price đã để lại nhiều nghi vấn về khả năng ông ta chính là một điệp viên hai mang được đối phương cài vào để quấy nhiễu hoạt động của CIA, do đó những thành công ban đầu của ông ta cũng bị soi kỹ. CIA nghi ngờ ông là người của KGB (tình báo Xôviết), bị thủ tiêu vì công năng ngoại cảm của ông quá mạnh, nhưng cũng có người nghi ngờ theo hướng khác.
Sau khi CIA chính thức dẹp bỏ chương trình, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhảy vào tiếp quản và thậm chí còn đầu tư mạnh tay hơn cho chương trình, giao cho DIA trực tiếp phụ trách. Đến giai đoạn này thì một loạt nhà ngoại cảm từng làm việc cho dự án tại CIA, như Ingo Swann, Joseph McMoneagle, Paul H. Smith và Ed Dames đã quay lại làm việc cho DIA.
Với sự hăm hở của Lầu Năm Góc, “Star Gate” như có một sức sống mới. Các nhà ngoại cảm kỳ cựu từng bị lép vế trước Price ở CIA nay có cơ hội thi thố hết tài năng "siêu phàm" của mình để phục vụ cho ước mơ "nhìn thấy từ xa tất cả mọi điều bí mật của đối phương". Lầu Năm Góc đã sử dụng các "điệp viên ngoại cảm" của mình cho nhiều mục tiêu khác nhau, như tìm kiếm con tin Mỹ ở nước ngoài, truy tìm tàu ngầm Nga, và thậm chí cả việc tìm kiếm xác một chiếc máy bay bị bắn rơi.
Tổng cộng, trong thời gian 20 năm (1975-1995), Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi cho “Star Gate” một khoản tiền lên đến 20 triệu USD. Năm 1995, sau 20 năm chẳng mang lại hiệu quả thiết thực nào, “Star Gate” đã chính thức chấm dứt vĩnh viễn. Các "điệp viên ngoại cảm" bỏ đi tứ tán, có người ra ngoài mở công ty chuyên làm dịch vụ ngoại cảm để kiếm sống, người thì gia nhập vào các tổ chức nghiên cứu khoa học để đi tìm câu trả lời cho những hiện tượng huyền bí của công năng ngoại cảm.
Thế rồi chỉ 5 năm sau khi “Star Gate” chấm dứt, công năng ngoại cảm lại được dùng đến trong một chuyên án gián điệp tại Đông Nam Á. Đó là vụ việc điệp viên thuộc Tổ chức Tình báo quốc phòng Australia (ADIO) Jean-Pilippe Wispelaere dự định bán 1.382 trang tài liệu mật lấy cắp của quân đội Mỹ cho Đại sứ quán Singapore tại Bangkok, Thái Lan. Một nhà ngoại cảm nữ tên là Angela Ford đã giúp Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) xác định được danh tính, hình dạng và đặc điểm, tính cách của Wispelaere và dụ y sang Mỹ để bắt giữ.
Tuy nhiên, sau thành công đó, hầu hết các trường hợp khác sử dụng tình báo ngoại cảm đều thất bại, như vụ binh nhì Bowe Bergdahl của quân đội Mỹ mất tích tại khu vực miền Đông Afghanistan vào mùa hè năm 2009. John Alexander, người từng tham gia điều phối chương trình “Star Gate” của Bộ Quốc phòng Mỹ, đã triệu tập hầu như tất cả các "điệp viên ngoại cảm" trước đây đến giúp. Sau nhiều ngày "thấu thị" thu thập thông tin, các nhà ngoại cảm đã cho ra một đáp số… sai bét. Sau này, người ta mới biết binh nhì Bergdahl đã bị Taliban bắt cóc và hiện nay vẫn chưa được thả
Theo Nguyên Khang
Anninhthegioi