Điện mặt trời, điện gió: Bí đầu ra, vì sao?

TP - Tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, hàng loạt nhà máy điện gió, điện mặt trời đang hoạt động cầm chừng vì không thể truyền tải điện lên lưới phục vụ cho phát triển kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân… 
Nhiều dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận giảm phát 60% công suất làm giảm hiệu quả đầu tư và gây thiệt hại cho nền kinh tế

Thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt…

Từ cuối năm 2018, trong một báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, EVN cảnh báo về khả năng phải cắt điện trong năm 2019. Trao đổi với PV Tiền Phong sáng 15/7, đại diện EVN cho biết, do tình hình nắng nóng gay gắt diện rộng duy trì liên tục ở mức 39-40 độ C ở miền Bắc và miền Trung làm công suất tiêu thụ đầu nguồn và sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc tăng cao kỷ lục. Và, để bảo đảm cung cấp điện với mức tiêu thụ tăng rất cao, EVN phải thường xuyên huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu với chi phí rất cao. Cụ thể như trong ngày 21/6, EVN đã phải huy động nhiều tổ máy nhiệt điện chạy dầu trong hệ thống với tổng công suất chạy dầu lên tới gần 2.000 MW.

Đại diện Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, tháng 5 vừa qua, sản lượng điện bình quân phải cung cấp là 210.984.657 kWh/ngày, trong đó sản lượng ngày lớn nhất là 235.336.712 kWh/ngày, tăng 12,19% so với tháng 5/2018. Theo kế hoạch, sản lượng điện thương phẩm năm 2019 sẽ đạt gần 74 tỷ kWh, tăng 10% so với năm trước và đây cũng là dự báo mức tăng của các năm tiếp theo. Trong đó, điện sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng khoảng 59%, tăng trên 12%.

Nhiều địa phương như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh tỷ lệ tăng trưởng điện lĩnh vực này lên đến trên 70%. Cùng với kinh tế phát triển, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn khiến nhu cầu điện cho nông - lâm - thủy lợi tăng trên 20%. Lĩnh vực thương mại, khách sạn, nhà hàng mức tăng trên 19%. Điện phục vụ đời sống sinh hoạt cũng tăng đột biến, khó lường trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao đỉnh điểm…Các yếu tố trên cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận hành hệ thống cung cấp điện của EVNSPC.

“Nguồn điện truyền thống (sản xuất từ than, khí, thủy điện) tại chỗ ở miền Nam đã vận hành hết mức công suất vẫn chưa thể đáp ứng đủ, phải nhờ thêm nguồn điện nhận truyền tải từ miền Bắc và miền Trung qua đường dây 500kV. Vì vậy, xét về ngắn hạn, điện cho miền Nam cơ bản vẫn có thể đảm bảo đáp ứng được, nhưng về lâu dài, nếu không phát triển nguồn mới, trong khi tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện vẫn ở mức cao như hiện nay, thì việc vận hành cung cấp điện sẽ rất căng thẳng và gặp nhiều khó khăn, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung điện hoàn toàn có thể xảy ra”, đại diện EVNSPC cho hay.

Mới đây, báo cáo về tình hình thực hiện các dự án điện theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), Bộ Công Thương cảnh báo từ năm 2021 - 2025 dù phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, tuy nhiên hệ thống điện không thể đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022). Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 với khoảng 12 tỷ kWh… Để giải quyết, Bộ đề ra nhiều giải pháp, trong đó có phương án tăng cường mua điện từ Lào và Trung Quốc nhằm bổ sung công suất cho hệ thống điện.

Nhiều nhà máy giảm phát 60% công suất

Chiều 9/7, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Ninh Thuận, Giám đốc Sở Công Thương Đặng Văn Thành cho biết, nhiều nhà máy điện gió và điện mặt trời sau khi đi vào hoạt động buộc phải giảm công suất phát điện (giảm phát). Cụ thể: Tỉnh Ninh Thuận đã thu hút được 19 dự án điện gió với quy mô công suất 1.043,61MW, trong đó đã cấp quyết định đầu tư cho 11 dự án (tổng công suất hơn 630 MW) với tổng vốn đầu tư 22.176 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6, có 3 dự án đã chính thức đưa vào vận hành thương mại (tổng công suất 117 MW). Tuy nhiên,  Nhà máy điện gió Mũi Dinh (công suất 37,6 MW) bị giảm phát đến 60% công suất.

Các dự án điện mặt trời càng thê thảm hơn. Trên cơ sở các dự án đã được Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 31 dự án (tổng công suất 1.817 MW) với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. Đến ngày 30/6, trong số 15 dự án (1.063 MW) chính thức đưa vào vận hành thì có 9 dự án phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải. Thực tế này gây thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư và phát triển kinh tế xã hội.

Theo ông Thành, hệ thống lưới điện truyền tải hiện hữu trên địa bàn tỉnh về khả năng giải tỏa công suất thì chỉ đáp ứng khoảng từ 800 MW, trong khi hiện nay đã có khoảng 1.180 MW điện gió, điện mặt trời đưa vào vận hành làm quá tải lưới điện và phải giảm phát để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải. Hầu hết các danh mục lưới điện truyền tải được bổ sung vào Quy hoạch đều dự kiến triển khai sau năm 2020, trong khi tiến độ đầu tư các dự án khá nhanh, đưa vào hoạt động đúng tiến độ. Tổng công suất cần giải tỏa đến hết năm 2020 là 2000 MW điện mặt trời và 220 MW điện gió nên khả năng tiếp tục giảm phát là rất lớn. Dự kiến đến cuối năm 2019, Ninh Thuận có thêm 4 dự án (140 MW) và năm 2020 có 12 dự án (614 MW) tiếp tục đưa vào vận hành.

Mới đây, Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận có đơn kiến nghị đến Bộ Công Thương và EVN do các nhà máy điện gió tại tỉnh Bình Thuận bị cắt giảm công suất khi đường dây quá tải, trái với thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán điện (PPA) ký kết với ngành điện trước đó. Theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, trong tháng 6 vừa qua, cơ quan điều độ hệ thống điện đã yêu cầu các dự án giảm tải với tỉ lệ giảm tải 38-65% công suất thiết kế, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và lãng phí cho xã hội.

Đề xuất thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp


PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất Chính phủ cho phép tỉnh Ninh Thuận thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Theo ông Tuấn, cơ chế cho phép giao dịch trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng mua điện. Thông thường, các doanh nghiệp sản xuất điện không bán điện trực tiếp cho người sử dụng cuối cùng mà sẽ giao dịch với bên mua điện được thừa nhận theo quy định. Cơ chế này về tổng thể sẽ giúp cho thị trường vận hành hiệu quả, giảm thiểu chi phí và tận dụng tốt hạ tầng điện lực…

Huy Thịnh

Tại hội thảo “Tìm giải pháp phát triển nguồn điện, đảm bảo an toàn năng lượng quốc gia” do báo Tiền Phong tổ chức vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Lê Văn Lực cho biết Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 1.000 MW từ Trung Quốc và Lào và trong thời gian tới sẽ tăng cường nhập khẩu điện. Dự kiến Việt Nam sẽ “nhập khẩu” khoảng 3.000 MW vào năm 2025 và 5.000 MW vào năm 2030.