Ngày 11/6, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, sức khỏe bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore còn gọi là “Vi khuẩn ăn thịt người” đã có tiến triển. Bệnh nhân đã đi lại, ăn uống được song vẫn còn nhiễm trùng huyết. Phía bệnh viện tiếp tục theo dõi sát sao, điều trị cho bệnh nhân.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chia sẻ thêm, bệnh Whitmore không lây từ người qua người nhưng cần chú ý đến nguồn nước, môi trường xung quanh. Do đó, khi phát hiện ca bệnh trên, phía bệnh viện đã gọi điện thông báo ngay cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk để có biện pháp khoanh vùng nơi ghi nhận ca bệnh, có biện pháp phòng chống, tránh nguy cơ tiềm ẩn nguồn bệnh.
Trước đó, thông tin từ ngành y tế tỉnh Đắk Lắk ghi nhận cháu N.T.V (nữ, SN 2013, trú thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) mắc Whitmore. Theo đó, ngày 4/6, bệnh nhân được người nhà đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, và nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, sốt 39 độ, tuyến mang tai 2 bên sưng to, cứng chắc không di động. Góc hàm (T) có điểm ấn mềm hoá mủ, đau nhiều; há miệng hạn chế.
Đến ngày 7/6, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được nhưng sốt cao liên tục. Áp xe tuyến mang tai 2 bên đã rạch, rỉ mủ máu. Kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei.
Theo người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện khoảng 10 ngày, V. bị sốt cao, kèm sưng, đau vùng mang tai 2 bên; được đưa đi tại phòng khám tư nhân, uống thuốc 3 ngày nhưng không giảm.
Whitmore thường được gọi là bệnh “Vi khuẩn ăn thịt người” do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Đây là căn bệnh truyền nhiễm rất khó phát hiện do dễ nhầm lẫn với các bệnh khác và không được điều trị kịp thời.