Dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp: Ca bệnh tăng, thuốc điều trị cạn kiệt

TP - Số trẻ mắc tay chân miệng, đặc biệt là nhóm trẻ diễn tiến bệnh nặng tăng cao ở khu vực phía Nam (nhất là tại TPHCM và Bình Dương). Tuy nhiên, các loại thuốc điều trị cho nhóm bệnh nhân mắc tay chân miệng thể nặng đang dần cạn kiệt gây áp lực rất lớn lên hệ thống điều trị.

Điểm nóng Bình Dương

Ngày 30/7, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín cho biết, từ đầu năm đến nay, địa phương ghi nhận hơn 1.700 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 7 này có 2 trường hợp tử vong (đều dưới 10 tuổi).

Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM. Ảnh: Vân Sơn

Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh Bình Dương, bệnh TCM ở địa phương này đang có xu hướng tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An, thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Tân Uyên, thị xã Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên là những địa phương ghi nhận ca mắc TCM cao nhất của tỉnh Bình Dương. Trong đó, ở một số phường, xã ghi nhận điểm nóng dịch bệnh với 5 tuần gần đây mỗi tuần khoảng 10 ca mắc mới.

Điển hình như tại thành phố Thuận An, từ đầu năm đến nay, địa phương này đã ghi nhận 436 ca bệnh, trong đó có 2 trường hợp tử vong và ba điểm nóng về dịch bệnh tại các phường Thuận Giao, Bình Chuẩn, An Phú.

Cuối tháng 7/2023, trong công văn báo cáo Bộ Y tế về tình hình dịch TCM ở TPHCM, Sở Y tế TPHCM cho biết, thuốc IVIG sử dụng tăng lên đến xấp xỉ 200 lọ/ngày. Dự kiến cuối tháng 8/2023 mới có đợt thuốc IVIG nhập khẩu tiếp theo nhưng số lượng hạn chế. Nếu số bệnh nhi mắc TCM nặng vẫn không giảm, TPHCM có nguy cơ thiếu IVIG.

Hiện tại, toàn tỉnh Bình Dương có 74 ca bệnh TCM nặng. Hai nhóm tuổi có số ca mắc cao là từ 1 đến 2 tuổi (chiếm 33,1%) và từ 2 đến dưới 6 tuổi (chiếm 54,6%). Hai nhóm tuổi này thuộc nhóm trẻ và mẫu giáo.

“Bệnh TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Với tình hình hiện tại, bệnh TCM rất dễ lây lan thành ổ dịch. Vi rút gây bệnh có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường bên ngoài qua phân, nước bọt.

Người dân cần giữ vệ sinh môi trường sinh hoạt của trẻ sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh đồ chơi, rửa tay cho trẻ bằng xà phòng. Khi trẻ sốt cao đột ngột cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, hướng dẫn theo dõi và can thiệp, điều trị kịp thời”- ông Trần Văn Chung, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương lưu ý.

TPHCM thuốc điều trị dần cạn kiệt

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) trong tuần 29, số ca mắc bệnh TCM được ghi nhận lên tới 2.356 trường hợp, tăng gấp 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.455 ca. Hiện nay, tất cả các quận huyện đều ghi nhận số ca mắc tăng cao, trong đó điểm nóng tập trung tại quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú. Thành phố chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh lý TCM ở những trẻ nhiễm bệnh cư trú trên địa bàn, tuy nhiên đã có hơn 200 trẻ mắc bệnh với những diễn tiến nặng.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM và 3 bệnh viện nhi đồng được giao nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị bệnh lý TCM cho bệnh nhi trên địa bàn và bệnh nhi từ các tỉnh thành khác chuyển đến. Tuy nhiên, hiện nay khoa Nhiễm của các bệnh viện nhi đồng đang đối mặt với áp lực rất lớn vì số trẻ nhập viện đột ngột tăng vọt. BS Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, mỗi ngày khoa đang tiếp nhận, điều trị cho khoảng 150 bệnh nhi. Bệnh viện đã phải trưng dụng thêm một tầng lầu để phục vụ điều trị các bệnh truyền nhiễm, nâng tổng số giường bệnh khoa này lên 300.

Áp lực tương tự cũng đang xảy ra tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố và Bệnh viện Nhi Đồng 2. Nếu giai đoạn từ tháng 4 đến hết tháng 5 mỗi ngày các bệnh viện chỉ phải tiếp nhận từ 20 đến 30 trẻ nhập viện điều trị nội trú vì mắc TCM thì hiện nay số ca bệnh đã tăng lên trung bình từ 80 đến 90 bệnh nhi mỗi ngày, trong đó có nhiều trường hợp diễn tiến nặng phải thở máy.

Cùng với những áp lực do số ca bệnh tăng cao, các bệnh viện đang đối mặt với khó khăn rất lớn khi những loại thuốc phục vụ điều trị cho các trường hợp mắc TCM diễn tiến nặng đang rơi vào tình trạng khan hiếm hoặc hết hàng. Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM tính đến cuối tháng 7/2023 các bệnh viện trên địa bàn chỉ còn khoảng 1.000 lọ thuốc IVIG, thuốc Phenobarbital dạng uống chữa TCM đang dần cạn kiệt, trong khi đó thuốc Phenobarbital dạng truyền tĩnh mạch đã hết.