Ngày 14/1, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch xuất hiện, Hà Nội ghi nhận số ca mắc mới trong ngày vượt qua mốc 3.000 trường hợp. Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy tính đến hết ngày 13/1, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 135 bệnh nhân nặng, nguy kịch, con số này tại Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) là 218 trường hợp. Các F0 theo dõi cách li tại nhà là 44.625 ca. Số ca tử vong trong ngày là 13 trường hợp, tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29/4 đến nay là 307 người. Đa số bệnh nhân tử vong là cao tuổi trên 80, có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin.
Hiện hầu hết các bệnh viện của Hà Nội đều hoạt động theo mô hình bệnh viện chia đôi, hiện vẫn kiểm soát được dịch COVID-19 và đảm bảo công tác khám chữa bệnh thông thường cho người dân. Các Trung tâm Y tế của Hà Nội đã cấp phát 17.795 liều Molnupiravir cho F0 điều trị tại nhà. Thành phố cũng đã cấp phát hơn 51.000 gói thuốc A đến tận nhà các F0. Túi thuốc B hiện đã chuẩn bị đủ cơ số theo quy định tại tủ thuốc của các trạm y tế. Sở Y tế đã cấp 39.245 liều túi thuốc C, hiện đã sử dụng 26.795 liều.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế đều nhấn mạnh, công tác điều trị ngày càng “nóng” do số ca bệnh tăng, số ca nặng tăng. Số ca F0 điều trị tại nhà cũng tăng. Thời gian qua, ngoài Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 hỗ trợ tiếp nhận bệnh nhân nặng của Hà Nội. Một số đơn vị như Bệnh viện Bạch Mai đã đào tạo hơn 1000 cán bộ y tế của Hà Nội, hỗ trợ Quận Đống Đa triển khai thiết lập và vận hành các trạm y tế lưu động; Bệnh viện Việt Đức cử 18 bác sĩ xuống hỗ trợ quận Hoàn Kiếm điều trị COVID-19...
Các chuyên gia của Bộ Y tế đề nghị Hà Nội cần thành lập Sở chỉ huy chống dịch, đồng thời kết nối giao ban điều trị giữa Hà Nội và các bệnh viện tuyến trung ương được Bộ Y tế giao hỗ trợ, đồng hành để trao đổi về chuyên môn điều trị, phục vụ việc chuyển tuyến bệnh nhân phù hợp. Cùng với đó, đoàn công tác của Bộ Y tế đề xuất Hà Nội nghiên cứu thiết lập khu vực chăm sóc giảm nhẹ dành cho các đối tượng quá cao tuổi, bệnh nền rất nặng, phục vụ các gia đình có nguyện vọng chăm sóc giảm nhẹ cho người thân.
Liên quan đến công tác thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện và các cơ sở thu dung điều trị COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế giao các đơn vị liên quan của Bộ Y tế báo cáo lãnh đạo Bộ cụ thể để Bộ trao đổi với BHXH Việt Nam và báo cáo lên Chính phủ.
Tránh quá tải ở tầng điều trị 2 và 3 không hợp lí
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh Bộ sẽ có những chỉ đạo sát sao, cụ thể các bệnh viện trực thuộc, cùng trao đổi với đề xuất các bộ ngành giao các bệnh viện bộ, ngành trên địa bàn dành giường bệnh phù hợp để điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng vẫn đảm bảo công tác khám chữa bệnh thông thường. Bộ Y tế cho rằng việc tổ chức hệ thống 3 tầng điều trị đã có nhiều kết quả tốt trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng các bệnh viện trung ương và bệnh viện tầng 3 của Hà Nội được giao nhiệm vụ hỗ trợ tuyến dưới cần thực hiện theo mô hình “bệnh viện chị-em”, không chỉ hỗ trợ bệnh viện tầng 2 mà còn cả tầng 1 và trạm y tế lưu động theo hình mạng lưới để có thể chủ động trong hỗ trợ. “Tránh để quá tải ở tầng điều trị 2 và 3 không hợp lí”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về đề xuất của Hà Nội liên quan đến việc tập huấn chuyên môn điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Với Hà Nội trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung nhân lực y tế phòng chống dịch cho các trạm y tế lưu động, điều trị bệnh nhân, những việc hành chính cần huy động các lực lượng khác đảm nhiệm, đồng hành cùng y tế”.