Đến Sa Pa mùa này, du khách dễ dàng bắt gặp những vườn địa lan dọc hai bên cung đường dài gần 30 km từ thành phố Lào Cai lên thị trấn Sa Pa. Qua tìm hiểu, hoa địa lan được trồng nhiều nhất trên các xã núi cao Sa Pa, nhiều nhất là Tả Phìn, hay trên lưng chừng núi Hàm Rồng ở thị trấn.
Trước thời điểm năm 2000, địa lan được trồng nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong tỉnh, nhưng khi nhu cầu thưởng hoa ngày càng tăng, nhiều người dân địa phương đã mở rộng quy mô trồng lan, có được nguồn thu nhập đáng kể.
Nhiều năm gắn bó với nghề trồng địa lan và sở hữu hai vườn hoa “khủng” nhất ở đất Sa Pa, ông Lê Văn Vi cho hay, khoảng trước Tết từ 2 - 2,5 tháng, các nhà vườn rục rịch tìm thuê mặt bằng ở các xã vùng thấp di chuyển địa lan xuống chăm sóc. Quá trình này giúp địa lan thích nghi với nhiệt độ cao, tránh bị “sốc nhiệt” rồi nở quá sớm hay quá muộn.
Cũng theo ông Vi, vườn nhà ông có khoảng 300 chậu địa lan nhưng trước Tết cả tháng, 80% lượng hoa này đã có chủ, dù giá địa lan của ông Vi luôn ở tốp đầu, khoảng 400.000 - 500.000/ngồng hoa, nếu cộng lại, một chậu hoa to đẹp giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Khách hàng của ông Vi chủ yếu là cơ quan, doanh nghiệp đặt hoa hoặc làm quà biếu tặng đối tác hoặc trang trí cơ quan.
Ông Đỗ Phú Chính, chủ vườn địa lan tại tổ 14 thị trấn Sa Pa cho rằng, số lượng khách lẻ nhiều hơn mọi năm khiến thị trường địa lan Sa Pa có cạnh tranh về giá bán.
Năm nay, ông Chính chỉ có hơn 50 chậu hoa đẹp cho dịp Tết, giá tại vườn từ 250.000 - 300.000 đồng/ngồng nhưng không đủ hoa để bán. Bắt đầu từ Tết dương lịch trở đi, khách đến vườn nếu ưng chậu nào là rút ví đặt cọc ngay. Nhà vườn chỉ lo chăm sóc thật tốt chờ gần Tết thì gửi hoa về địa chỉ khách yêu cầu.
Theo ông Chính, yếu tố khiến địa lan Sa Pa đắt khách ngoài màu sắc đẹp còn nằm ở độ bền của hoa. Bởi địa lan được trồng trong các chậu hoặc trên giá xơ dừa từ khi còn nhỏ, thời gian cho hoa tối thiểu cần 2 - 3 năm nên cây già và sức sống dẻo dai. Nếu chăm sóc đúng cách, địa lan khi đưa về đồng bằng có thể chơi trong 2 - 3 tháng, còn ở Sa Pa khí hậu mát mẻ quanh năm, thời gian chơi hoa còn dài hơn.
“Tùy theo nhiệt độ ngoài trời để quyết định chu kỳ thời gian và lượng nước tưới cho hoa nở tươi đẹp. Nước tưới chỉ vừa đủ thấm vào gốc, tránh tưới đậm gốc “ngậm” nhiều nước sẽ làm giảm độ bền của hoa”, ông Chính lưu ý.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Kinh tế UBND huyện Sa Pa (Lào Cai) cho biết, địa lan năm nay có giá tăng nhẹ từ 10 - 20% so với năm ngoái. Trên thị trường, địa lan loại 1 có giá từ 400.000 - 500.000 đồng/ngồng, còn hàng thấp nhất từ 150.000 - 200.000 đồng/ngồng.
Hiện ở Sa Pa có khoảng 15 nhà vườn chuyên nghiệp và khoảng vài trăm hộ trồng ở quy mô nhỏ lẻ. Qua thống kê từ các nhà vườn, lượng hoa địa lan đưa ra thị trường Tết năm nay dao động từ 5.000 - 6.000 chậu nhưng dự báo không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cũng theo ông Thành, dịp Tết năm nay, có thêm đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai giúp việc đi lại thuận tiện dễ dáng, thời gian nhanh hơn là yếu tố tác động tích cực đến thị trường địa lan dịp Tết. Những ngày cuối tuần trước Tết, Sa Pa tấp nập khách lẻ từ khắp các tỉnh tự lái ô tô, trực tiếp đến các nhà vườn chọn mua hoa về chơi Tết.