“Trăm nghe không bằng một thấy”
Chuyện kể cũng như nhiều báo, sách viết rằng người bạn thời trẻ của Bác Hồ, tên là Lê Thị Huệ - sau khi tiễn Bác tại Bến Nhà Rồng để Người lên tàu đi tìm đường cứu nước, bà ở lại và đi tu ở núi Thị Vải.
Là một nhà nghiên cứu lịch sử nên thầy giáo Trần Trung Hiếu không “cầm lòng” được với thông tin về ngôi mộ của ni sư Lê Thị Huệ. Anh đã tìm vào núi Thị Vải, với sự dẫn đường của một người học trò cũ, đi tìm mộ vị ni sư vốn là nguyên mẫu nhân vật trong tác phẩm “Búp Sen Xanh” của nhà văn Sơn Tùng.
Vượt cả ngàn cây số, thầy giáo Trần Trung Hiếu tìm được ngôi mộ khá cũ kỹ nằm bên một ngôi chùa Ni (chùa dành cho sư nữ tu tập). Ngôi mộ ấy chìm trong cỏ lá. Thầy Hiếu chia sẻ với tôi: “Tên người nằm dưới mộ cũng là Huệ, nhưng cô họ Nguyễn, chứ không phải họ Lê như nhân vật Lê Thị Huệ mà lâu nay mọi người vẫn thường biết về người bạn thời trẻ của Bác Hồ”.
Song, thầy Trần Trung Hiếu cũng nói: “Theo tôi biết, nhiều đoàn khách tìm tới ngôi mộ này thắp hương, khiến người dân càng thêm tin đây là mộ của cô Huệ. Vả lại, một ni cô bình thường thì không dễ gì được xây mộ ở núi thiêng Thị Vải, vốn là đất của chùa cổ xưa nay bất khả xâm phạm”.
Thầy Trần Trung Hiếu, sau chuyến đi ấy, nhắn tôi: “Bạn là nhà báo, bạn hãy đến xác minh thêm thông tin về ngôi mộ đề tên Ni sư Huệ”.
Thâm sơn cùng cốc
Được sự chỉ dẫn của nhà nghiên cứu Trần Trung Hiếu, tôi xuống núi Thị Vải để tìm ngôi mộ Ni cô tên Huệ.
Núi Thị Vải nổi tiếng linh thiêng, là vùng đất tu tập của các thiền sư. Khi tôi đặt chân tới núi, thấy ngoài các chùa và am của các nhà sư, tuyệt nhiên không có bất cứ nhà dân, nương rẫy hay công trình gì khác. Ngọn núi được phủ xanh cây cối và chỉ có những con đường mòn bé nhỏ, hoặc các bậc đá rêu xanh dẫn lên các chùa và thảo am.
Trên núi Thị Vải không có nghĩa trang nào.
Trong lúc tôi đang lạc dưới chân núi, chưa biết đi đâu, tìm đâu ngôi mộ Ni cô thì một vị sư theo phái tu thiền khổ hạnh đi ra từ trong rừng, bảo: “Theo thầy biết, ở gần mộ bà Thị Vải có một ngôi mộ đề tên Ni cô Huệ, vậy bác hãy tới đó tìm kiếm may chăng sẽ thấy”.
Được lời như cởi tấm lòng, tôi hỏi mộ bà Thị Vải và cứ thế đi tìm.
Lịch sử ghi chép bà Thị Vải (Tên thực là Lê Thị Nữ) tu hành tại núi này, được xem là người khai phá ngọn núi thiêng. Bà mất lúc nào không ai rõ, nên người ta xây một cái tháp thay cho mộ gió, để thờ phụng bà. Tên ngọn núi được đặt theo tên gọi thường ngày của bà.
Mộ bà Thị Vải nằm lưng chừng núi, xung quanh rất hoang vắng, không bóng người.
Vì không thấy bóng người nào nên tôi cứ theo hơn 300 bậc đá đi lên phía đỉnh núi. Cuối cùng, tôi gặp một vị sư đang phát cây ở trong ngôi chùa nhỏ giữa đám mây trắng. Vị sư này một mình tu hành trong ngôi chùa dưới đám cây cối um tùm, hầu như không xuống núi.
Sư thấy có khách thì từ trên cây leo xuống, tiếp. Sư nói: “Thầy pháp danh là Thích Minh Quang, được sư phụ cử lên đây tu tập trông ngôi chùa nơi đỉnh núi. Như thầy được biết, lưng núi này chỉ có hai ngôi mộ các sư. Mộ thứ nhất là mộ của sư tổ là bà Thị Vải mà chú mới ghé thăm. Ngôi mộ thứ hai, đề là mộ tu sĩ Nguyễn Thị Huệ. Ngôi mộ này cũng xây dựng khá lâu rồi, nhưng tu sĩ Nguyễn Thị Huệ là ai thì bản thân thầy lại không biết rõ”.
Theo lời sư Minh Quang, tôi từ đỉnh núi vòng trở xuống lưng núi và cuối cùng nhìn thấy một ngôi mộ rất bình dị nằm ven đường, dưới những gốc cây cổ thụ. Ngôi mộ này nằm cách mộ bà Thị Vải không xa, nhưng vì mộ quá đơn sơ nên ít ai để ý.
Mộ cư sĩ Nguyễn Thị Huệ
Ngôi mộ nhỏ nằm dưới hàng cây, được sơn màu vàng, nhưng theo thời gian rêu phong, chỉ thấy rõ dòng chữ “Tu sĩ Nguyễn Thị Huệ. Pháp hiệu: Diệu Thọ”. Dòng chữ dưới đã mờ, đề năm sinh là 1900 và năm mất (có dấu vết đắp thêm bằng xi măng) đề là 62 (?).
Theo nhà nghiên cứu Trần Trung Hiếu: “Đối chiếu thông tin trên ngôi mộ thì năm sinh và năm mất đều không khớp với cô Huệ bạn của Bác Hồ. Chưa kể tu sĩ họ Nguyễn còn nhân vật trong Búp Sen Xanh của Sơn Tùng là họ Lê. Như vậy, thật khó khẳng định đây là mộ của cô Huệ - bạn Bác Hồ”.
Song điều khó lý giải là tại sao mộ tu sĩ Nguyễn Thị Huệ lại không được đặt trong khuôn viên ngôi chùa dành cho các sư nữ là “Bửu Lâm cổ tự” - vốn chỉ cách đó một con đường mòn mà lại được đặt trên đường đi lên mộ bà Thị Vải? (Trong chùa sư nữ Bửu Lâm cổ tự có khá nhiều lăng của các nữ tu sĩ qua các thời kỳ mấy trăm năm lịch sử. Tuy nhiên, ngôi chùa nữ tu tập này hầu như không mở cửa và không đón khách thăm viếng”.
Chia tay phóng viên, Hòa thượng trụ trì Thích Pháp Huệ nói: “Thật sự khi sư bà Lê Thị Huệ sức khỏe kém đã rời chùa đi chữa bệnh và câu chuyện về sau thế nào thì nhà chùa không biết rõ. Nhưng nhà chùa chúng tôi thiết nghĩ việc tìm mộ sư bà Lê Thị Huệ có thể thực hiện được. Vì sách vở đều ghi bà Lê Thị Huệ mất năm 1980. Vậy đã biết năm mất thì chắc chắn sẽ biết được nơi mất và nơi an táng. Chỉ là việc chúng ta ngày nay có muốn làm sáng rõ việc đó hay không? Nhưng, trước khi các nhà nghiên cứu khẳng định với bằng chứng khoa học thì mọi thông tin ngôi mộ nữ tu sĩ Nguyễn Thị Huệ chính là mộ sư bà Lê Thị Huệ chỉ là phỏng đoán mà thôi”.
Vậy ai đã xây ngôi mộ tu sĩ Nguyễn Thị Huệ dưới chân mộ bà Thị Vải? Và phải chăng việc xây ngôi mộ nữ tu sĩ nằm ngoài khuôn viên nhà chùa là một việc làm có dụng ý để thuận tiện cho người đời thăm viếng, hương khói?
Nhà nghiên cứu Trần Trung Hiếu chia sẻ: “Có nhiều điều bí ẩn và khó lý giải về ngôi mộ của tu sĩ Nguyễn Thị Huệ”.
Phóng viên đã nhiều lần gõ cửa Bửu Lâm cổ tự để mong muốn tìm hiểu lai lịch ngôi mộ bên cạnh chùa. Chính điện Bửu Lâm cổ tự luôn mở cửa và sáng đèn, song cửa chùa đóng chặt, không tiếp khách và không ai đáp lời du khách muốn viếng thăm.
Ấn tượng khó quên khi phóng viên chụp ảnh ngôi mộ đó là chi tiết về một búp sen rất lớn được đúc đặt trước ngôi mộ của tu sĩ Nguyễn Thị Huệ.
Câu chuyện về sư bà Lê Thị Huệ
Phóng viên tìm tới chùa chính Linh Sơn Bửu Thiền tự, cách ngôi mộ một cánh rừng. Linh Sơn Bửu Thiền tự tấp nập hàng ngàn du khách viếng thăm, hành lễ. Chùa cũng đang được trùng tu lớn.
“Anh Ba rất mến phục Út Huệ, từ một cô bé con nhà giàu được cha mẹ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, vì gia đình sa sút, thân phận Út Huệ đã trượt theo số phận của mẹ cha, nhưng Út Huệ đã cùng cha đứng vững dáng Con Người giữa cuộc đời khổ ải”. “Bất chợt anh cảm giác gương mặt Út Huệ như một búp sen từ đầm sen quê nhà hiện đến”.
(Búp Sen Xanh - Sơn Tùng)
Sư trụ trì Linh Sơn Bửu Thiền tự là Hòa thượng Thích Pháp Huệ, năm nay 72 tuổi.
Hòa thượng trụ trì Thích Pháp Huệ nói với phóng viên: “Chùa chúng tôi là chùa cổ, đã mấy trăm năm. Từ năm 1992 thầy đã về đây tu tập và năm 1999 thì chính thức chuyển hẳn về chùa. Bấy giờ, thầy đã nghe các vị sư nữ cao niên kể rằng trước kia chùa trên đỉnh núi dành cho các sư cô tu tập, trồng lúa, trồng sen. Có người nữ tu sĩ tên là Lê Thị Huệ, nhiều năm tu ở đó. Về sau, sư bà Lê Thị Huệ già yếu, nên chuyển xuống các chùa chân núi tiện sinh hoạt, rồi sư bà mất đi lúc nào, không ai biết rõ”.
Hòa thượng trụ trì Thích Pháp Huệ khẳng định: “Việc tu sĩ Lê Thị Huệ nhiều năm tu tại Linh Sơn Bửu Thiền tự ở núi Thị Vải là có thật. Chùa đang soạn cuốn lịch sử Linh Sơn Bửu Thiền tự và cũng sẽ đưa chi tiết này vào sách”.
Về chuyện sư bà Lê Thị Huệ và nhân vật Út Huệ trong Búp Sen Xanh, Hòa thượng trụ trì Thích Pháp Huệ nói: “Thầy cũng ít đọc văn học. Giữa nhân vật văn học và nguyên mẫu có thể giống, có thể nhiều điểm khác nhau. Nhưng theo thầy được biết thì nhà văn Sơn Tùng khi còn sống đã nhiều lần tới chùa chúng tôi tìm gặp sư bà Lê Thị Huệ. Lần đầu, sư bà từ chối không tiếp. Lần sau đó, nhà văn Sơn Tùng có đưa ra một bức ảnh của Bác Hồ là tư liệu rất quý, sư bà mới tiếp chuyện và nhà văn đã ghi chép rất nhiều tài liệu ngay tại chùa này”.
Lê Thị Huệ hay Nguyễn Thị Huệ?
Về ngôi mộ đề tên “Cư sĩ Nguyễn Thị Huệ” đặt trên núi Thị Vải, trong khu vực của Linh Sơn Bửu Thiền tự, Hòa thượng trụ trì Thích Pháp Huệ nói: “Các sư lo việc tu tập, nên quả thực việc ai xây và xây ngôi mộ ấy lúc nào, nhà chùa không được rõ. Có nhiều đoàn khách, nhiều đoàn nghiên cứu tới đây tìm hiểu xem đây có phải là mộ của sư cô Lê Thị Huệ hay không? Nhà chùa đều đáp là nhà chùa chưa có đủ tư liệu nên không khẳng định. Tuy nhiên, mộ có ghi rõ tên tu sĩ là Nguyễn Thị Huệ chứ không phải Lê Thị Huệ”.
8/2023