Yagi: Thổi bay gần trăm ngàn tỷ
Năm 2024 đã đi vào lịch sử khi cơn bão Yagi gây ra những tổn thất nặng nề về người và của, thiệt hại không đếm xuể cho nền kinh tế Việt Nam.
Báo cáo sơ bộ thiệt hại ban đầu, cơn bão đã cuốn phăng gần 50.000 tỷ đồng, tương đương 0,15% GDP cả nước. Tuy nhiên, tại hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 diễn ra ngày 28/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, ước tính ban đầu, tổng thiệt hại kinh tế do bão số 3 gây ra là khoảng 81.503 tỷ đồng. Tính toán của các chuyên gia, thực tế con số còn nhỉnh hơn, và có thể làm bay tới gần 1% GDP cả nước.
Trận bão Yagi và hoàn lưu sau bão đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng tới các hạ tầng đường sá, cơ sở sản xuất, diện tích lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy hải sản của nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Theo số liệu khảo sát, phân tích của Cty tư vấn Quản lý chuỗi cung ứng - CEL, từ ngày 10 đến 15/9, khoảng 20 - 30% trong tổng số 216 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đường sá hư hại làm gián đoạn logistics và vận tải. Điển hình như mỏ than Vàng Danh (Quảng Ninh) có thời điểm đã hoàn toàn mất điện và liên lạc, bị cô lập do sạt lở trên tuyến đường vận tải. Việc gián đoạn hoạt động logistics được thể hiện trên diện rộng với: 73,3% công ty bị gián đoạn nghiêm trọng thuộc lĩnh vực chuỗi cung ứng và logistics, với các nhà khai thác cảng, nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL), dịch vụ vận tải và chuỗi cung ứng lạnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế học tại Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích: bão Yagi được các cơ quan chức năng ghi nhận là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong nhiều thập kỷ gần đây. Ước tính chính thức về tổng thiệt hại vật chất ở tất cả các địa phương, con số phải lên tới cả trăm ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của bão Yagi đến tăng trưởng kinh tế còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực như thủy sản, điện, giao thông, dịch vụ… Đặc biệt, bão Yagi được dự báo sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024.
Tiền mất, nợ xấu dềnh lên
Trên địa bàn Quảng Ninh và Hải Phòng có gần 12.000 khách hàng với tổng dư nợ 26.000 tỷ đồng gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước 3 ngày sau bão (11/9), ông Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến hết ngày 10/9, có hơn 11.000 khách hàng với dư nợ khoảng 10.650 tỷ đồng bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3. Số này chiếm 5,6% tổng dư nợ trên địa bàn. Thực tế con số ngày một lớn hơn.
Thống kê của tỉnh Quảng Ninh, trong hơn 25.000 nghìn tỷ đồng thiệt hại do bão gây ra, phần lớn là thiệt hại về nông nghiệp. Ngư dân ở Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Hơn 10 ngày sau cơn bão số 3 (bão Yagi), dù các điểm du lịch như Cát Bà (Hải Phòng), Hạ Long và Tuần Châu (Quảng Ninh) đã đón khách trở lại, song nhiều tàu du lịch vẫn đang bị đắm và chưa được trục vớt. Có những con tàu từ mức mua vài chục tỷ nay chỉ bán sắt vụn được 60 triệu, có những con tàu hàng trăm tỷ vẫn đang “chết chìm” chưa biết bao giờ tỉnh giấc sống lại. Thậm chí, có nhiều tàu khả năng hỏng hoàn toàn, ước tính thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, trưởng đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước đi thực tế khảo sát thiệt hại ngay sau bão cho biết: sơ bộ, chỉ tính riêng hai tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh đã lên tới hơn 80.000 tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng. “Thiệt hại là rất nặng nề không kể xiết từ doanh nghiệp, người dân và cả ngân hàng”, ông Tú nói.
Số tiền này nhiều người dân, doanh nghiệp coi như bị mất trắng, cuốn trôi ra biển. Còn ngân hàng thì ảnh hưởng nặng nề với cảnh báo nợ xấu “dềnh” lên do khách hàng của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay…
Kéo lùi tăng trưởng?
Sáu tháng đầu năm 2024, bức tranh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, Việt Nam đã có những gam màu sáng từ xuất khẩu, sự phục hồi dần trở lại của cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng như các thị trường bất động sản, chứng khoán đã có tín hiệu ấm nhẹ lên… Nhờ đó, tính chung GDP sáu tháng đầu năm 2024, Việt Nam vẫn tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.
Dẫu vậy, tác động của cơn bão số 3 đã khiến kịch bản tăng trưởng những tháng cuối năm cả nước và nhiều địa phương dự báo sẽ chậm lại. Dự báo tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.
“Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay tại phiên họp Chính phủ cuối tháng 9 vừa qua.
Cùng lúc, số liệu công bố của công ty xếp hạng S&P Global (Mỹ) đã chỉ ra, cơn bão số 3 (bão Yagi) đã khiến ngành sản xuất của Việt Nam quay đầu giảm sau 5 tháng tăng trưởng liên tiếp với số lượng đơn đặt hàng mới cũng giảm và nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của bão. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 9 của Việt Nam ghi nhận mức 47,3 điểm, giảm từ 52,4 của tháng 8, sau 5 tháng liên tục tăng trưởng.
Phân tích chung bức tranh kinh tế thiệt hại từ bão, TS Phạm Thế Anh, chia sẻ: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng cảnh báo thiên tai có thể “thổi bay” hàng tỷ đô la tăng trưởng của Việt Nam mỗi năm, đồng thời khuyến nghị Việt Nam cần có cách tiếp cận mới trong phát triển kinh tế, nhằm hạn chế tối đa tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu...
Và hành động
Cập nhật tại cuộc họp Chính phủ tháng 9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã công bố, con số dư nợ của khách hàng trong hệ thống ngân hàng bị tác động ảnh hưởng từ bão lên tới hơn 100 ngàn tỷ đồng. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy có khoảng 116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão số 3 với hơn 83.400 khách hàng bị thiệt hại. Một số địa phương có dư nợ thiệt hại lớn gồm Yên Bái chiếm hơn 18,5% tổng dư nợ của địa phương, theo sau là Hà Nội (khoảng 11%), Hải Phòng (10,7%), Hải Dương (8,6%), Quảng Ninh (7%)...
Tại hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với 13 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân chiều 21/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Bão lũ cũng làm đình trệ sản xuất, kinh doanh tại một số địa bàn, doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn kinh tế vĩ mô. Do đó, người đứng đầu Chính phủ mong Ngành ngân hàng đề xuất các chính sách mới phù hợp với tình hình, doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại. Thủ tướng cũng đề nghị các ngân hàng chia sẻ cùng đất nước lúc khó khăn, và đề xuất giải pháp hợp lý về tín dụng, lãi suất, với tinh thần “cùng làm, cùng hưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
“Có đi qua những ngày mưa mới biết yêu thêm những ngày nắng. Có đi qua bão tố mới thấm sự bình yên. Việt Nam cần có những chuyển đổi căn bản trong nền kinh tế để ứng phó hiệu quả với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Một chuyên gia nhấn mạnh
Đến thời điểm này, được biết ngoài Bộ Nông nghiệp và các bộ ngành đang rốt ráo đưa ra các giải pháp đồng bộ, các địa phương khẩn trương lên kế hoạch tái thiết phục hồi, riêng Ngân hàng Nhà nước đã tức tốc xây dựng Thông tư mới với dự thảo điểm nhấn dự kiến thời gian cơ cấu nợ tối đa 1 năm. Việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Theo TS Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc xây dựng Dự thảo rất kịp thời, phù hợp. Từ đó, một mặt giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để phục hồi hoạt động sản xuất, mặt khác giúp ngân hàng không vướng phải giới hạn về nợ xấu để có thể tiếp tục cho vay. “Vấn đề làm sao triển khai linh hoạt, nhưng đảm bảo đúng đối tượng, tránh bị lợi dụng chính sách”, ông Thành lưu ý.
Thách thức vẫn chờ phía trước
Mặc dù chịu ảnh hướng nặng nề từ cơn bão Yagi, nhưng tín hiệu tích cực là ngày 4/10 Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa nâng dự báo về sức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam lên ở mức 6,1%, cao hơn mức dự báo gần 6% được đưa ra hồi giữa năm. Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF, Việt Nam vẫn là một trong các quốc gia đang phát triển đến năm 2029.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhận định các rủi ro với kinh tế Việt Nam vẫn cao. 8 tháng đầu năm nay Việt Nam thu về trên 265 tỷ USD từ xuất khẩu hàng hóa, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế - có thể đi xuống nếu tăng trưởng toàn cầu không như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị kéo dài hoặc tranh chấp thương mại tăng.
Cùng với đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp ì ạch cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng, làm suy giảm sự ổn định tài chính. Áp lực tỷ giá có thể kéo dài khi chính sách tiền tệ vẫn nới lỏng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tháng trước, đồng Việt Nam từng mất giá gần 5% so với đồng USD từ đầu năm 2024. Đến đầu tháng 8, tỷ lệ này giảm còn 3,85%.
Theo TS Phạm Thế Anh, cảnh báo của WB hay IMF về tác động tiêu cực của thiên tai đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là hoàn toàn chính xác và đáng báo động. Vì Việt Nam, với địa hình và khí hậu đặc thù, luôn phải đối mặt với rủi ro cao từ các hiện tượng thời tiết cực đoan. Những cơn bão như Yagi chỉ là một ví dụ điển hình cho thấy tác động tàn khốc của thiên tai đối với nền kinh tế. Do đó, đổi mới cơ cấu tăng trưởng kinh tế vẫn luôn là thách thức, và Việt Nam sớm phải tính đến việc này!
Ngày 17/9, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện đã được ban hành với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai" hướng về nhân dân miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2024, năm 2025 và của cả nhiệm kỳ.
Cập nhật số liệu mới nhất đến 28/9, tổng thiệt hại kinh tế do bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão ước tính sơ bộ trên 81.000 tỷ đồng, tương đương gần 3,3 tỷ USD, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.