‘Di dời các khu đất vàng phải theo quy hoạch’

TPO - 'Di dời các khu đất vàng trong nội đô phải thực hiện theo quy hoạch, phải đặt lợi ích cộng đồng, xã hội lên hàng đầu', TS. Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng khẳng định.
TS. Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng

TS. Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng khẳng định với PV báo Tiền Phong như vậy bên lề Hội thảo “Thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” vừa diễn ra tại Hà Nội.

PV: Hà Nội ngày càng nhiều các khu đất vàng di rời ra khỏi nội đô nhưng thay vào đó là các cao ốc cao tầng, ý kiến ông về vấn đề này thế nào?

Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản báo cáo Chính phủ về vấn đề này còn về mặt cá nhân tôi thì về nguyên tắc, muốn thực hiện bất cứ điều gì đều phải theo quy hoạch. Cái quy hoạch là cái quan trọng nhất trong quản lý xây dựng và cũng quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Quy hoạch là anh vẽ cho người ta một bức tranh tương lai, bức tranh đấy đẹp hay không và đô thị hiệu quả hay không thì nó mới làm cho đô thị phát triển mà đô thị đóng góp hơn 70% GDP cho nên kinh tế đô thị vô cùng quan trọng. Muốn kinh tế phát triển anh phải có môi trường tốt, căn cứ vào đó thì quy hoạch phải chuẩn. Những công trình nhà máy di dời ra khỏi thành phố mà thay vào đó làm cái gì thì phải theo quy hoạch. Thời gian gần đây cứ di chuyển công trình nhà máy đi là xây cao ốc gây nên chất tải cho đô thị, như thế là không tốt.

Vừa rồi tôi có đi sang bên Đức tham quan đô thị của hộ, bên đó nhà thừa nhiều thì những nhà thừa ra thì người ta gỡ đi làm công trình công cộng, công viên hoặc khu vui chơi giải trí cho dân. Quan điểm cá nhân tôi thì cơ quan quản lý phải lấy lợi ích công cộng, lợi ích xã hội làm chủ. Một đô thị như cơ thể con người nó phải đầy đủ các bộ phận, phải vận hành tốt, nó khoẻ mạnh và xinh đẹp thì mới hiệu quả được. Nếu cứ để đô thị tắc nghẽn giao thông thì vô cùng thiệt hại cả về kinh tế, thời gian.

Có ý kiến cho rằng, xu hướng chuyển nhà máy, trường học, cơ quan Bộ ra khỏi nội đô để lại các mảnh đất vàng rơi vào tay các đại gia bất động sản?

Cái này không thuộc thẩm quyền của tôi nhưng theo quan điểm của tôi dù rơi vào tay ai thì khi thực hiện phải phù hợp với quy hoạch, môi trường sống tốt, đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết. Kinh nghiệm các nước là bài học cho ta áp dụng. Không phải nhìn đâu xa, nhìn sang nước gần ta nhất là Singapo, họ làm quy hoạch và thực hiện gần nhất với quy hoạch mà họ đề ra khiến nhà đầu tư nào khi đến tham quan đều có ý định đầu tư tại đây.

Nhưng ngay chính tại Việt Nam, việc quy hoạch của thành phố Đà Nẵng làm rất tốt sao ta không áp dụng?

Thành phố Đà Nẵng khác với Hà Nội vì dù sao đó là thành phố trẻ còn Hà Nội có mật dân số đông. Nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là do con người quyết định.

Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh thì hầu hết các dự án xây dựng tại Việt Nam đều chậm tiến độ, đây có phải là nguyên nhân dẫn đến giá thành căn hộ chung cư cao mà người chịu thiệt chính là khách hàng, thưa ông?

Tiến độ là tiền, chậm dự án là tăng chi phí. Năm vừa rồi nguyên vật liệu tăng 30%, tiền công 25% và các yếu tố khác dẫn đến trượt chung chi phí xây dựng là 20%. Nếu chậm tiến độ một năm thì nó tăng 20%, đương nhiên là thiệt hại đến khách hàng, chậm công trình tác động ngay đến khách hàng sử dụng trước đã. Nếu lỗi của nhà thầu thì nhà thầu phải bồi thường cho khách hàng còn lỗi chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải chịu.

Giá bất động sản hiện nay theo cung cầu, cung nhiều cầu ít thì giá sẽ phải giảm còn giá xây dựng hiện nay chủ yếu xác định theo giá chi phí còn giá BĐS là chi phí và cộng với bao nhiêu thứ khác. Hiện nay giá BĐS giảm đến 30% nhưng vẫn còn cao so với đa số thu nhập của người dân. Theo cá nhân tôi, thời gian tới còn giảm nữa, đặc biệt căn hộ cao cấp kể cả nhà thu nhập thấp cũng phải giảm. Xuất phát từ chi phí và giá đang giao dịch trên thị trường, giá hiện căn hộ có nơi vãn 40 - 50 triệu/m2 là quá cao. Trong thời gian tới giá sẽ giảm khoảng 20%. Theo tôi giá nhà chung cư 15 triệu/m2 là phù hợp.

Ngọc Mai (thực hiện)

Theo Viết