​Di chỉ 3 nghìn tuổi chỉ để trồng chuối?

TP - Câu chuyện bảo tồn khu di chỉ khảo cổ học vườn chuối thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Ðức, Hà Nội được hâm nóng tại tọa đàm hôm 11/7.
Quá trình khai quật chỉ ra giá trị to lớn của khu vườn chuối. Ảnh: Tư liệu.

Các nhà khoa học phát hiện khu di chỉ này năm 1969, mãi tới 2007 GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung cùng trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mới khai quật và chỉ ra giá trị bất ngờ. Dấu vết 28 ngôi mộ táng của văn hóa Ðông Sơn, nhiều di vật thể hiện quá trình hình thành và cư trú của con người qua các thời Ðồng Ðậu, Gò Mun và Ðông Sơn. PGS.TS. Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho rằng số di vật này chứng minh diễn trình hình thành nhà nước thời đại đồng thau rất sớm ở Hà Nội, tương đương với thời đại tiền Hùng Vương. Nghiên cứu, bảo tồn khu di chỉ này đóng góp lớn trong chứng minh tiến trình hình thành và phát triển của cư dân Việt trong suốt chiều dài lịch sử.

Giá trị to lớn ấy thực tế không được nhìn nhận đúng mức, bởi năm 2007 UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao khu đất này cho một công ty nhằm xây dựng khu đô thị mới. Trong cái rủi có cái may, kinh tế khó khăn khiến dự án giậm chân tại chỗ, tới cuối năm 2017 rục rịch tái khởi động. Ðau lòng trước nguy cơ xóa sổ di chỉ có dấu tích sinh sống đầu tiên của những cư dân Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy gửi thư kêu cứu lên lãnh đạo TP. Hà Nội cuối năm ngoái. Nay ông tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp bảo tồn, trong đó có việc cấp bách cần lập hồ sơ công nhận di tích cho khu di chỉ khảo cổ vườn chuối này. GS. Lâm Mỹ Dung nhắc lại kết quả thu được chưa thể khái quát hết bởi diện tích khai quật mới dừng lại ở phần nhỏ, cần có cuộc khai quật lớn hơn để khoanh vùng bảo vệ. Ðồng quan điểm, TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học chỉ ra rằng phải bắt đầu từ khảo sát thăm dò khảo cổ học kỹ lưỡng mới có thể đề xuất bảo tồn vùng lõi, vùng đệm và vùng bao quanh.

Khu di chỉ hơn ba nghìn tuổi này hiện gần như để hoang, trồng bạt ngàn chuối. Nguy cơ xoá sổ không xa bởi di chỉ không được công nhận di tích đồng nghĩa với việc không có căn cứ pháp lí bảo tồn theo luật Di sản văn hoá. Lập hồ sơ cũng chỉ là bước đầu, xa hơn theo dự liệu của các nhà khoa học là chiến lược bảo tồn, kết nối di chỉ với sản phẩm du lịch để quảng bá: Di chỉ này chở theo biết bao câu chuyện về vùng đất, những cư dân đầu tiên của Hà Nội từ hàng nghìn năm qua.