Đi bơi mùa hè: Phòng trị viêm tai giữa cho trẻ em

Viêm tai giữa là bệnh phổ biến với trẻ, nên giữ mũi bé sạch, tránh lạm dụng kháng sinh để chữa trị. 
Đau tai, chảy dịch, sốt... có thể là dấu hiệu của viêm tai giữa cấp. Ảnh minh họa: A.M.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, viêm tai giữa cấp hay gặp ở trẻ nhỏ. Tác nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, một số do virus. Tại Mỹ, 83% trẻ dưới 3 tuổi có ít nhất một lần bị viêm tai giữa, trong đó độ tuổi thường mắc là 6-18 tháng. Đây là nhóm trẻ hay bị lạm dụng kháng sinh trong điều trị.

Trẻ bị viêm tai giữa nặng là khi đau tai nặng hoặc đau dai dẳng trong 48 giờ hoặc sốt trên 39 độ C trong 48 giờ trước đó. Viêm tai giữa không nặng là khi trẻ đau tai nhẹ, sốt dưới 39 độ C trong 24 giờ trước đó.

Theo phó giáo sư Dũng, không phải trường hợp nào trẻ bị viêm tai giữa cũng được chỉ định dùng kháng sinh. Trẻ phải dùng kháng sinh nếu dưới 6 tháng, hoặc bé từ 6 tháng đến 2 tuổi mắc bệnh nặng.

"Các trường hợp khác chỉ điều trị triệu chứng và theo dõi sau 2 ngày, nếu bệnh không đỡ mới dùng kháng sinh. Quan trọng là giữ vệ sinh mũi họng, nguyên tắc là mũi sạch thì tai khô", phó giáo sư Dũng nhấn mạnh.

Hướng dẫn điều trị nhi khoa của Mỹ, trẻ chỉ đau tai nhẹ thì bác sĩ nên theo dõi tình trạng trong 2 ngày trước khi chỉ định dùng kháng sinh, thay vào đó là dùng thuốc giảm đau. Nếu sau đó tình trạng trẻ không cải thiện, màng nhĩ căng nhiều mới kê kháng sinh.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi:

Dùng kháng sinh ngay.

Trẻ 6 tháng đến 2 tuổi:

- Dùng kháng sinh ngay nếu viêm tai giữa có chảy dịch tai hoặc viêm tai nặng hoặc viêm hai tai không chảy dịch.

- Theo dõi nếu viêm một tai không chảy dịch.

Trẻ từ 2 tuổi trở lên:

- Dùng kháng sinh ngay nếu viêm tai giữa có chảy dịch tai hoặc viêm tai nặng.

- Theo dõi nếu viêm tai một hoặc cả hai tai nhưng không chảy dịch.

Phó giáo sư Dũng cũng lưu ý, bé được theo dõi sức khỏe tại gia đình thì phải tái khám sau 2 ngày nếu bệnh không đỡ hoặc bất cứ khi nào nếu bệnh nặng hơn.

Để phòng bệnh, cha mẹ cần chú ý giữ mũi trẻ khô. Mũi hơi ướt thì phải nhỏ nước muối, hút mũi, không cho dịch ứ đọng tạo môi trường vi khuẩn phát triển. Chữa triệt để tình trạng viêm mũi họng, tránh vi trùng, vi khuẩn lây lan lên tai. Cải thiện môi trường sống của trẻ, đi bơi thì cần chọn những nơi nước tương đối sạch, nên trang bị mũ và nút tai dành cho trẻ. Khi tai trẻ bị ngứa, khó chịu, chảy nước, dịch vàng, trắng, sờ vào thấy đau, cha mẹ nên đưa con đi khám.

Theo Theo Vnexpress