Dẹp loạn thị trường cà phê

TP - Bộ Công Thương vừa có dự thảo ban đầu về một số điều kiện để siết chặt việc kinh doanh, xuất khẩu cà phê, nhằm dẹp tình trạng kinh doanh tranh mua, tranh bán làm ảnh hưởng thương hiệu cà phê Việt Nam.
Lựa cà phê xuất khẩu ở Cty Cà phê Phước An (Đăk Lăk) Ảnh: Thiên Nga

> Cần 16.000 tỷ đồng mua tạm trữ cà phê

Lựa cà phê xuất khẩu ở Cty Cà phê Phước An (Đăk Lăk).
Ảnh: Thiên Nga.
 

Hơn nửa doanh nghiệp sẽ bị loại

Theo dự thảo, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có thể tham gia xuất khẩu cà phê, nếu đáp ứng được các quy định như: đã tham gia chế biến và xuất khẩu cà phê 2 năm liên tục với lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm.

Với điều kiện này, theo đánh giá sơ bộ, chỉ khoảng 50-60 trong số 150 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đủ điều kiện có thể tham gia xuất khẩu (chiếm 99% lượng xuất khẩu của cả nước).

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Chế biến, Thương mại Nông lâm sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc kinh doanh cà phê có điều kiện xuất phát từ đề xuất của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa).

Hai Bộ NN&PTNT, Công Thương cũng thống nhất về chủ trương, nên xây dựng một nghị định kinh doanh cà phê có điều kiện, giống như nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo. Hiện Bộ Công Thương đang giai đoạn xin phép Chính phủ để xây dựng nghị định, và hiện Chính phủ cũng chưa có ý kiến về việc này.

Theo ông Hòa, kinh doanh có điều kiện không có nghĩa là thủ tiêu các doanh nghiệp nhỏ, cổ vũ những ông lớn. “Khi đó, buộc các doanh nghiệp nhỏ phải liên kết lại, phân công lại sản xuất. Anh nhỏ thì làm ở phạm vi của họ, anh lớn thì đầu tư kỹ thuật. Chứ một nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới, mà cà phê rang xay chỉ chiếm 5-10% tổng sản lượng, là quá thấp.

Đối với cà phê, một trong những yếu tố để hạn chế cạnh tranh là chưa tổ chức lại sản xuất, mà cứ tranh nhau mua xô, bán xô như chợ làng. Do vậy, việc xây dựng nghị định kinh doanh cà phê có điều kiện là cần thiết, không chỉ với cà phê mà nhiều nông sản khác”.

Theo ông Hòa, nếu như thế này mãi, thì sản xuất cà phê của Việt Nam dù đứng thứ hai thế giới, nhưng sẽ không có tên tuổi gì.

Dân được lợi gì?

Theo Vicofa, hiện tổng sản lượng xuất khẩu cà phê hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 1 triệu đến 1,2 triệu tấn. Có khoảng 150 đơn vị chế biến và xuất khẩu và 13 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 100% vốn. Số lượng cà phê do các công ty FDI thu mua chiếm khoảng 40% đến 50% sản lượng cà phê của Việt Nam.

Lâu nay, thị trường cà phê mạnh ai nấy làm, dẫn tới việc doanh nghiệp tranh mua, tranh bán, thậm chí ngay cả tư thương Trung Quốc cũng có thể vào vườn tranh mua cà phê nguyên liệu của doanh nghiệp trong nước. Từ đó, làm nản lòng các doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu thực sự. Người dân, chủ yếu nhìn thấy lợi trước mắt, ai trả giá cao hơn thì bán. Nên về lâu dài, nếu thị trường ế ẩm, chính người trồng cà phê thiệt đầu tiên.

Ông Đoàn Xuân Hòa, phân tích: “Phải tạo ra cà phê chất lượng có giá trị gia tăng cao, mà muốn thế phải tập trung hóa, sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Khi giá trị gia tăng cao, đầu ra thông thoát, thì nông dân được hưởng lợi, doanh nghiệp có điều kiện tái đầu tư trở lại cho nông dân. Một điểm tồi nhất của cà phê chúng ta hiện nay là giá càng cao, chất lượng càng xấu, vì cà phê không có chủ”.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, lâu nay, chúng ta thả cho các doanh nghiệp kinh doanh tự do dẫn đến có quá nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh cà phê, kể cả những người không am hiểu về cà phê. Chính vì vậy, kinh doanh cà phê xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, không quan tâm đến chất lượng cà phê.

Mặc dù cà phê Việt Nam thơm ngon nhưng độ đồng đều không giống nhau, nên các nhà nhập khẩu nước ngoài lợi dụng điều đó để kéo giá xuống. Bên cạnh đó, hiện có một số doanh nghiệp chỉ kinh doanh cà phê theo hình thức lấy nợ rồi bán tháo để lấy lại vốn.

Theo ông Tự, điều kiện đầu tiên cần đưa ra là các doanh nghiệp phải biết làm cà phê, có khả năng tài chính. Thứ nữa, doanh nghiệp phải có kho trữ hàng, vì cà phê khác các loại khác, ví dụ gạo năm 3 vụ nhưng cà phê 1 năm chỉ có 1 vụ nhưng bán quanh năm. Những doanh nghiệp có kinh nghiệm, trường vốn đầu vụ họ mua vào vì lúc này giá thấp, bán quanh năm họ sẽ thu lời cao.

Chống chuyển giá của doanh nghiệp cà phê FDI

Vicofa vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, cho biết: Hiện có một số doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực cà phê có dấu hiệu chuyển giá, nhằm tránh nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan nhà nước.

Hiệp hội kiến nghị rà soát, kiểm tra lại và quản lý chặt hơn với các doanh nghiệp cà phê FDI, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp này hoạt động theo đúng pháp luật.

Theo Báo giấy